Người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng
Sau khi giảm mạnh xuống quanh mức 88 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra vào sáng nay (13/5), thì chiều cùng ngày giá vàng SJC đã bất ngờ tăng trở lại và dừng quanh mốc 90 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở mức 87,5 - 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Trong khi đó, tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 87,5- 89 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự SJC, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm nhẹ 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm nay.
Trước đó, chỉ cách vài tiếng đồng hồ, giá vàng được ghi nhận lúc 9 giờ giảm mạnh. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 85,85 – 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 85,5 - 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Riêng Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87 - 89,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước biến động trong ngày của giá vàng, Chuyên gia Vi Tuấn, Giavang.net phân tích, có 3 yếu tố thúc đẩy giá vàng trong nước tăng trở lại. Một là giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng và đã vượt mốc 2.350 USD/ounce. Thứ hai, sau 5 kỳ đấu thầu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, trong đó 2 phiên thành công đã có 3 đơn vị trúng thầu và hiện nay một số lượng vàng miếng lớn đang do vài doanh nghiệp nắm giữ.
Về cơ bản, khi dồi dào và chủ động về nguồn cung, doanh nghiệp sẽ có xu hướng tăng giá bán; nhất là khi nhu cầu của người dân tăng. Lý do cuối cùng liên quan tới hiện tượng vay vàng trong dân, vốn đang rất phổ biến và có tâm lý cho rằng giá vàng tiếp tục tăng trong ngắn hạn dẫn tới đổ xô đi mua vàng trả nợ sớm.
Ngày mai (14/5), dự kiến tại phiên đấu thầu lần thứ 6, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tổng khối lượng chào thầu là 16.800 lượng vàng, loại vàng miếng SJC. Mức giá tham chiếu được điều chỉnh tăng lên 88 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu tại phiên đấu thầu gần nhất (85,3 triệu đồng/lượng).
Trong lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên được phép đặt thầu xuống còn 5 lô (tương đương 500 lượng vàng); trong khi phiên trước, cơ quan quản lý đã giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu từ 14 lô xuống 7 lô.
Khối lượng đấu thầu tối đa lần này tăng từ mức 20 lô (tương đương 2.000 lượng) lên 40 lô (tương đương 4.000 lượng). Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Đây là lần thứ 6, Ngân hàng Nhà nước gọi thầu vàng miếng. Trong 5 lần trước đó, chỉ có 2 lần đấu thầu thành công với khối lượng trúng thầu mỗi lần là 3.400 lượng vàng.