Giá vàng tăng nóng, chuyên gia cảnh báo rủi ro kép khi mua vàng giá cao
Giới chuyên gia cho rằng việc mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá.
Giá vàng SJC không ngừng 'nóng'
Những ngày gần đây, “cơn điên” của giá vàng SJC dường nhưng không những không dịu xuống như kỳ vọng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức loạt buổi đấu thầu mà còn tăng mạnh mẽ hơn.
Trong hơn một tuần qua, mỗi ngày giá vàng lại xô đổ kỷ lục cũ. Đỉnh điểm hôm 10/5, giá vàng vàng vượt ngưỡng 92 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng.
Mặc dù NHNN liên tục mở các cuộc đấu thầu vàng nhưng đến nay chỉ có 6.800 lượng vàng được đưa ra thị trường. Số lượng vàng trúng thầu này cũng được mua ở mức giá sát với thị trường, trung bình khoảng 83,5 triệu đồng/lượng.
Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia lâu năm trong ngành kinh doanh vàng nhận định việc đấu thầu vàng này không có tác dụng co hẹp giá trong nước và thế giới. Thậm chí, những doanh nghiệp trúng thầu phải đẩy giá bán cao hơn, nếu không sẽ phải chịu thua lỗ. Do đó, ngay cả khi lượng vàng này được bổ sung ra thị trường thì cũng chưa thể giải quyết được cơn sốt giá.
Nói cách khác, lượng vàng cung vào thị trường không nhiều như mong muốn sau các phiên đấu thầu. Nhiều người thấy rằng cung không tăng nhiều sau các đợt đấu thầu vàng trong khi nhu cầu vẫn đang tăng lên. Trong khi đó, các cửa hàng vàng bán cầm chừng, giới hạn số lượng bán ra cho mỗi khách. Do đó, nhiều người chấp nhận mua SJC với giá cao hơn bình thường.
Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng cao và tâm lý FOMO (Fear of missing opportunity: Sợ bị mất cơ hội) của một bộ phận người dân, giới đầu cơ là những yếu tố đẩy giá vàng lên cao hơn trong một tuần qua. Thậm chí có lúc giá vàng trong nước đi ngược với vàng thế giới.
"Nguyên nhân chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới phần nhiều đến từ cách quản lý điều hành thị trường vàng, nguồn lực dự trữ ngoại hối không mạnh và tâm lý coi vàng là một tài sản tích trữ vốn vẫn ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân", Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định trong một báo cáo mới đây.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc mua vàng thời điểm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc giục NHNN đẩy mạnh việc giảm khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới.
Trao đổi với chúng tôi chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá. Chưa kể trường hợp nếu giá vàng thế giới thời gian tới giảm, người mua tiếp tục chịu cảnh lỗ chồng lỗ.
“Những lúc thị trường biến động người ta có thể lãi rất lớn, nhưng nếu thua lỗ thì lại cực kỳ nhiều. Đây là bài toán của mà người mua cần phải cân nhắc tính toán rất kỹ”, ông Thịnh nói.
Trả lời trên Báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy phân tích, giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân.
“Gần đỉnh sóng giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ làm giá hơn cổ phiếu vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong cơn sóng vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên để khoảng cách mua vào - bán ra lớn.
Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là “nhà cái”. Người dân mua vào lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào - bán ra lớn”, ông Linh nói.
Còn theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank, chỉ có thể là do tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư khiến giá vàng SJC tăng, có thời điểm đi ngược với giá thế giới.
“Trong quá khứ cũng xảy ra tương tự nhưng thường cơn sóng vàng này chỉ diễn ra vài ngày hoặc cùng lắm vài tuần chứ không thể đi ngược với giá thế giới được lâu”, ông Khánh nói.
Biện pháp trước mắt để giảm nhiệt giá vàng
Theo ông Thịnh để giải quyết tình hình hiện tại, NHNN trước mắt cần giám sát chặt thị trường vàng, xử lý tình trạng đầu cơ vàng, và thúc đẩy việc xuất hóa đơn chứng từ.
“Việc có hoá đơn, chứng từ sẽ giúp cơ quan nhà nước nắm bắt được cung - cầu trên thị trường đến đâu? Tình hình buôn lậu ra sao”, ông Thịnh nói.
Trong phiên họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng diễn ra hôm 10/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhận định mặc dù thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng, tuy nhiên tình hình chưa có nhiều chuyển biến, giá vàng miếng trong nước tiếp tục tăng, tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chưa được khắc phục.
Do đó, ông yêu cầu cơ quan này và các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Kết quả của cuộc thanh tra sẽ báo cáo lên Thủ tướng trong tháng 5 và “không để chậm trễ hơn nữa”.
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đầu cơ, thổi giá, buôn lậu: “Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định”.