Chuyến tàu đầu tiên năm 2024 chở nông sản từ Bình Dương đến Trung Quốc
Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên trong năm 2024 xuất hàng nông sản từ Sóng Thần, Bình Dương, Việt Nam đi Trịnh Châu, Hà Nam (Trung Quốc) gồm 21 toa xe.
Ngày 21/2, tại Ga Sóng Thần, thành phố Dĩ An (Bình Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên năm Giáp Thìn 2024 vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu từ Sóng Thần, Bình Dương đến Trịnh Châu, Hà Nam (Trung Quốc).
Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên trong năm 2024 xuất hàng nông sản từ Sóng Thần, Bình Dương, Việt Nam đi Trịnh Châu, Hà Nam (Trung Quốc) gồm 21 toa xe; trong đó có 9 container lạnh chở hoa quả và thực phẩm. Thời gian từ Sóng Thần đến Trịnh Châu dự kiến từ 9 - 10 ngày và theo kế hoạch sẽ tổ chức chạy 1 chuyến/tuần.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết, việc lựa chọn Bình Dương để tổ chức Lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc có nhiều ý nghĩa do Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam.
Phục vụ cho hoạt động xuất khẩu nhập khẩu, cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương được đầu tư phát triển tương tối đồng bộ, hiện đại kết nối với các phương tiện vận tải đường biển, đường bộ, hàng không và đường sắt. Tỉnh Bình Dương có ga liên vận quốc tế Sóng Thần và là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam.
Bình Dương đã dành quan tâm đặc biệt đến hoạt động tải đường sắt và đã từng bước tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt để đa dạng hóa hình thức vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Hàng hóa từ Bình Dương và các tỉnh lân cận được tập kết về Ga Sóng Thần đi ga Giáp Bát, Yên Viên (Hà Nội), sau đó chuyển tiếp sang các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc.
Tại Việt Nam, chi phí logistics trong ngành nông sản chiếm đến 20 – 25% giá thành sản phẩm, trong khi các nước chỉ chiếm khoảng 12 - 14%. Tuyến đường sắt chở hàng từ Bình Dương đi Trung Quốc giúp doanh nghiệp giảm một nửa chi phí so với trước đây, từ đó thêm cơ hội cạnh tranh về giá thành.
Trung bình container 40 feet lạnh, nếu đi tàu thủy thì cước phí chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm, còn đi đường hàng không thì chi phí sẽ tăng gấp hai lần. Mặt khác, vận tải đường biển phục vụ xuất khẩu phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, việc hàng hóa đi thẳng qua Trung Quốc là đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản.
Ông Khánh cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn trong nhất hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.
Sau khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics được hoàn thiện và đáp ứng đủ yêu cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch khai thác ga liên vận quốc tế Sóng Thần để tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến chạy thẳng từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại.
Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt. Mới đây nhất ngày 6/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Công điện giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hỗ trợ khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt – Trung để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản vận chuyển qua đường sắt nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc đường bộ qua cửa khẩu biên giới.
Huyền Trang