A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xăng, dầu phát triển

Tại Hội thảo góp ý Nghị định về kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế quản lý, nhưng quản lý khác đi và có cơ chế khuyến khích chứ không phải làm thật chặt, nhưng phải gắn với trách nhiệm và quyền lợi.

Cần cơ chế quản lý nhưng phải khuyến khích doanh nghiệp phát triển  

Mới đây (14/5), Bộ Công Thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và   tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. 

Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng, dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu nhận được sự quan tâm, chú ý rất lớn. Việc ban hành một văn bản để tất cả các bên hài lòng là rất khó. Tuy nhiên, Hội thảo được tổ chức để tạo một diễn đàn để tất cả được nói, thẳng thắn đưa ra những quan điểm lập luận của mình. Từ đó, cơ quan soạn thảo lắng nghe và đưa ra Nghị định phù hợp nhất.

  Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Ảnh Nhật Di.

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, việc xây dựng Nghị định bất kỳ đề phải đi từ thực tiễn. Do đó, đại diện Bộ Công Thương bày tỏ mong muốn được nghe các ý kiến đa chiều để tổng hợp tới Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp nhất.

Ông Chinh cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế quản lý, nhưng quản lý khác đi và có cơ chế khuyến khích chứ không phải làm thật chặt, nhưng phải gắn với trách nhiệm và quyền lợi. “Cơ chế quản lý nhưng cũng phải khuyến khích cho doanh nghiệp phát triển thì việc triển khai mới thành công được”, ông Chinh nhấn mạnh.

Theo ông Chinh, xăng dầu là lĩnh vực có nhiều đặc thù riêng, không phụ thuộc vào cung cầu mà còn chịu ảnh hưởng lớn của địa chính trị mà nhiều khi không đoán định được.

Nhưng việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích tạo ra sân chơi thị trường, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, người kinh doanh xăng dầu. Nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh tự điều chỉnh giá mà lợi nhuận quá phải làm sao, về vấn đề này sẽ có chính sách thuế để điều hòa. Giá bám theo hướng thị trường, các Bộ không quyết định nữa mà doanh nghiệp tự quyết định theo các tiêu chí và không được vượt giá trần. Việc vượt giá trần sẽ bị điều chỉnh, xử lý.

Cần làm rõ quyền lợi phân phối, bán lẻ

Trong phần thảo luận, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu lên những ý kiến còn bất cập. Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng, cá nhân ông cảm thấy nhiều điều khoản trong dự thảo bó buộc, hạn chế quyền tự do của thương nhân phân phối xăng dầu, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ông Dũng bày tỏ, dự thảo quy định thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau, chỉ được mua bán đầu mối là mang tính chất bó buộc. Trong khi đó, Nghị định trước kia cho mua bán lẫn nhau tạo độ mở cho thị trường.

"Dự thảo trích Luật Thương mại, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, theo đó doanh nghiệp được quyền doanh mọi thứ luật không cấm. Nhưng dự thảo lại hạn chế về quyền của doanh nghiệp, phân biệt đối xử khi doanh nghiệp đầu mối được quyền nhập khẩu, mua bán lẫn nhau nhưng xuống thương nhân phân phối lại chỉ được mua từ đầu mối", ông Dũng nói.

Ông so sánh việc này như một đường đua, mỗi người chỉ được chạy song song theo đúng đường thẳng thì không thể cạnh tranh. “Nếu một ngày đẹp trời gọi hỏi mua thì họ báo không có hàng thì phải làm gì?", ông Dũng bày tỏ băn khoăn đồng thời đưa ra nhiều dẫn chứng và bày tỏ mong muốn Ban soạn thảo, các chuyên gia tại hội thảo nghiên cứu, xem xét dự thảo có vi phạm những quy định pháp luật hay không? Từ đó, xây dựng Nghị định phù hợp với các quy định của luật khác.

 Các doanh nghiệp lo ngại về viêc chỉ  được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối. Ảnh Nhật Di.

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang ý kiến, dự thảo Nghị định quy định Điều 14 quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối: “Chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối” không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau, nhưng Thương nhân đầu mối lại có quyền “Được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác”.

"Như vậy là phân biệt đối xử giữa các Doanh nghiệp vi phạm Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Luật Cạnh tranh và Điều 6, Điều 10, Điều 11 của Luật Thương mại", ông Thập nêu.

Ông Thập cho rằng, các Doanh nghiệp đầu mối (cả nhập khẩu và sản xuất) là đơn vị tạo nguồn tồn dự trữ quốc gia để cung ứng cho bán thương mại, bán tiêu dùng trong hệ thống của mình (từ thương nhân phân phối đến tiêu dùng nói chung); đầu mối không bán cho đại lý, nhượng quyền thương mại vì đã thông qua thương nhân phân phối, nếu đầu mối vẫn bán cho đối tượng này thì sẽ dẫm chân lên nhau.

Đặc biệt, khi khan hiếm hàng hóa thì đầu mối sẽ chỉ tập trung cho hệ thống của mình mà ít chia sẻ cho thương nhân phân phối. Các Doanh nghiệp đầu mối không được mua hàng qua lại với nhau, nếu các đầu mối được mua bán với nhau sẽ gây ra tình trạng sản lượng ảo.

Ông Thập kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu theo Khoản 12 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021: “được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu”.

Điều hành về giá Cơ cấu giá theo dự thảo Nghị định Điều 32 về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu: “Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn”.

Giá thành sản phẩm: chi phí xuất hóa đơn chưa được cấu thành vào giá thành sản phẩm điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ thuộc vùng 2 vì có những khách hàng chỉ mua 10.000đ - 30.000đ cũng phải xuất hóa đơn, trong khi chi phí cho mỗi tờ hóa đơn là khoảng 60 đồng. Trường hợp nếu doanh nghiệp mua 2 triệu hóa đơn và phải bỏ ra liền một lúc hơn 100 triệu trong khi khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn từng lần mua; điều này gây lãng phí, khó khăn, phải lưu chứng từ cồng kềnh cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Thời gian điều chỉnh giá theo dự thảo Nghị định quy định khoản 3 Điều 32: “Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện điều chỉnh giá bán xăng dầu theo kỳ mười lăm (15) ngày một lần, bắt đầu tính từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.

Trường hợp thời gian điều chỉnh giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì … việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc liền kề trước đó…

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang kiến nghị giữ nguyên quy định “thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá” và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như thứ 7- chủ nhật – ngày Lễ - Tết (theo Điểm c, khoản 1, Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014).

Đại diện doanh nghiệp góp ý kiến, bà Trần Thuỵ Thuỳ Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Đoan Việt, cho biết thời gian qua, Đoan Việt cùng nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở TP HCM và cả nước nhiều lần gửi kiến nghị lên Quốc hội, Thủ tướng, Liên Bộ Công Thương - Tài chính để nêu những bất cập, khó khăn, gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu năm 2022. Đồng thời cũng góp ý để sửa đổi, bổ sung Nghị định mới cho phù hợp với tình hình kinh doanh theo cơ chế thị trường, không để gián đoạn nguồn cung.

Cụ thể, bà Trâm cho hay hiện nay định mức kinh doanh nằm ở cơ sở tính giá từ phía đầu mối, nhưng về đến doanh nghiệp bán lẻ lại không có phần này.

“Chúng tôi đề nghị cần phân rõ định mức ở các khâu đầu mối, phân phối và bán lẻ. Trong đó chi phí cho doanh nghiệp bán lẻ phải đạt từ 6-7% và không thấp hơn 5% để doanh nghiệp bán lẻ duy trì được hoạt động kinh doanh” - bà Trâm kiến nghị.

Về việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn (tối đa ba nguồn), trong Nghị định 80/2023, áp dụng từ cuối năm 2023 đến nay đã quy định rõ. Thế nhưng có thực tế là cho đến nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP HCM vẫn chưa thể mua hàng được từ nhiều nguồn.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương cần quy định rõ trong văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo xu thế thị trường. Đồng thời xoá bỏ cơ chế độc quyền về giá, cách tính giá của các đầu mối lớn, nhằm muốn thâu tóm doanh nghiệp vừa và nhỏ” - bà Trâm chia sẻ tại Hội thảo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo