A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Triển vọng ngành công nghiệp tích cực trong quý I

Hơn 71% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong quý I/2024 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023, cho thấy triển vọng của ngành này dần tích cực hơn.

Hơn 71% doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về đơn hàng trong quý I. Ảnh minh họa: Vneconomy

Hơn 71% doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về đơn hàng trong quý I. Ảnh minh họa: Vneconomy

Hơn 71% doanh nghiệp lạc quan về đơn hàng

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2023 và dự báo quý I/2024 đối với 5.749 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cả nước (chiếm 88,4% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).

Kết quả, trong quý IV/2023, có 68,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (29,2% tăng, 39,7% giữ nguyên); 31,1% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm. So với quý III/2023, chỉ số tương ứng là 66,6% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên (27,6% tăng; 39% giữ nguyên) và 33,4% nhận định giảm, cho thấy quý IV đã có sự cải thiện.

Theo ngành kinh tế, ngành in, sao chép bản ghi các loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý IV/2023 so với quý trước tăng cao nhất với 40,2%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 37,6%.

Về đơn hàng xuất khẩu mới, có 67,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2023 tăng và giữ nguyên so với quý trước (22,4% tăng, 45% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 32,6%; trong khi đó, chỉ số tương ứng của quý III/2023 là 65,7% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng tăng và giữ nguyên, 34,3% nhận định giảm.

Nhìn nhận triển vọng quý I/2024, 72,7% doanh nghiệp được khảo sát dự báo số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (29,3% tăng; 43,4% giữ nguyên), chỉ còn 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Tương tự, 71,4% doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (24,6% tăng, 46,8% giữ nguyên); 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.

Đơn đặt hàng mới, đơn hàng xuất khẩu cải thiện so với quý trước khiến việc sử dụng lao động quý I/2024 khả quan hơn, với 83,6% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (13% tăng, 70,6% giữ nguyên); chỉ có 16,4% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Mặc dù tốc độ phục hồi còn chậm, song những dữ liệu trên cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2023 đã phục hồi tích cực hơn quý trước. Doanh nghiệp ngoài Nhà nước với chỉ số cân bằng chung là 4,7% khả quan hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI (chỉ số cân bằng chung doanh nghiệp nhà nước và FDI lần lượt là -2,7% và -5,6%).

Cũng trong quý IV, một số ngành có tín hiệu hồi phục nhanh hơn các ngành khác như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất xe có động cơ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Quy hoạch quỹ đất để mở rộng các vùng nguyên liệu

Với vai trò là trụ đỡ, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp), quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, sự cải thiện dần của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian qua cùng những dự báo tích cực của các doanh nghiệp trong quý đầu tiên của năm mới là những chỉ dấu quan trọng cho sự phục hồi của ngành này, qua đó đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) qua từng tháng của năm 2023 đã cho thấy rõ sự phục hồi này. Nếu như các tháng đầu năm 2023, IIP tăng thấp hoặc giảm so với các tháng cùng kỳ (IIP tháng 1 giảm 11,3%; tháng 3 giảm 2%, tháng 4 giảm 2,4% so với cùng kỳ 2022) thì từ tháng 5.2023, IIP dần phục hồi, lần lượt đạt 0,5%; 1,7%; 2,3%; 3,5%; 2,9%; 4,4% và 5,8%. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng dương liên tiếp từ tháng 6.2023, lần lượt tăng 2,1%; 2,6%; 4,3%; 3,8%; 4,5%; 6,3% (tính đến tháng 11/2023) so với cùng kỳ năm trước.

Có được điều đó là bởi sự cải thiện trong đơn hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, với nhóm hàng điện tử, máy tính và kinh kiện, trong 9 tháng năm 2023 xuất khẩu giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước thì từ tháng 10.2023 đã tăng trở lại với mức tăng nhẹ 0,7%; tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu…

Nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp kiến nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề để nâng cao tay nghề lao động nói chung và tay nghề lao động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng. Cùng với đó, các địa phương tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất để mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến, chế tạo.

Về phía Nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế; có các biện pháp nhằm ổn định giá nhiên liệu và năng lượng.

Tiếp cận vốn cũng là vấn đề được các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quan tâm. Kết quả khảo sát trong quý IV/2023 cho thấy, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 58,2% và 49,8%. Yếu tố “lãi suất vay vốn cao” có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 21,5%.

Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với mức tăng trưởng tín dụng 15% cho năm nay đồng nghĩa sẽ có gần 2 triệu tỷ đồng được tăng thêm vào nền kinh tế. Với kết quả của năm 2023 và định hướng điều hành của Chính phủ, năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế, qua đó nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên.

Hiện, lãi suất đã giảm, thấp hơn nhiều so với trước dịch, thậm chí được đánh giá là thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng có cơ hội thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh triển vọng đơn hàng dự báo tích cực hơn.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo