Tránh chồng chéo giữa thanh tra Bộ với thanh tra Cục, Tổng cục
Khi thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ phải phân định rạch ròi thẩm quyền với Thanh tra Bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành 5 nội dung lớn của dự thảo Luật đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, báo cáo tại phiên họp. Trong đó, quy định hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính và cần tiếp tục kiện toàn Thanh tra huyện để có đủ năng lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó là thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ đáp ứng các tiêu chí luật định; đồng thời, phân định rạch ròi thẩm quyền với Thanh tra Bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện thanh tra chuyên ngành.
Cơ quan thanh tra chuyên ngành được thành lập theo quy định của luật tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến lại đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, vì lo ngại phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Cơ quan thẩm tra khẳng định, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục này không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới, do các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Đối với Thanh tra sở, được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. “Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao của địa phương”, thông báo nêu rõ.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về cơ chế phối hợp, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và với hoạt động kiểm tra, kiểm toán.
Thường trực Ủy ban Pháp luật được giao tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ làm rõ và quy định chặt chẽ trách nhiệm, thẩm quyền, quan hệ công tác giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của Đoàn thanh tra, không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, cần tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra; rà soát quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, việc trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo Luân Dũng
Tiền Phong