Mua sắm online qua TikTok: Lợi bất cập hại
Hiện việc mua sắm online qua nền tảng TikTok khá phổ biến song theo phản ánh của khách hàng, nhiều sản phẩm trên nền tảng này lại không giống như quảng cáo.
Theo đuổi mô hình shopertainment (kết hợp mua sắm và giải trí), không lâu sau khi chính thức ra mắt, TikTok Shop đã nhanh chóng trở thành công cụ mua sắm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong chia sẻ gần đây, đại diện của TikTok Shop Việt Nam đã cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, mức GMV (tổng giá trị hàng hóa) của TikTok Shop tăng gấp 11 lần, trong đó số lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần. Một số ngành hàng đang chiếm tỷ trọng lớn và tập khách hàng chính của TikTok Shop hiện nay là thời trang - phụ kiện, thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sắc đẹp và điện tử.
Có thể thấy, thành công của TikTok Shop đến từ chỗ giúp người dùng được khám phá các thương hiệu và sản phẩm mới một cách tự nhiên, thậm chí đưa ra các quyết định mua hàng không được lên kế hoạch từ trước. Đặc biệt, đa số người dùng TikTok Shop có độ tuổi từ 12 đến 40 tuổi - lứa tuổi này dễ dàng tiếp nhận những cái mới như: Ưa tính tiện dụng, dễ dàng thanh toán online và có thói quen mua sắm dựa vào việc nghe đánh giá chủ quan từ người khác. Tuy nhiên, so với ưu điểm này, nhiều khách hàng cũng phản ánh rằng TikTok Shop cũng có một số mặt trái như dễ mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Chị Nguyễn Lan Hương, người dân trú tại phường 15, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Khoảng 1 năm trở lại đây, chị thường mất nhiều thời gian xem TikTok để giải trí, trong quá trình xem, chị vô tình lướt thấy các sản phẩm được các TikToker livestream bán hàng, thấy sản phẩm trong clip livestream phù hợp với nhu cầu cần sử dụng và họ cho biết sản phẩm chất lượng nên chị cũng tin tưởng mua về dùng. Tuy vậy đa phần các sản phẩm mà chị đã mua về sử dụng chưa lâu thì đã bị hỏng, kiểm tra kỹ thì mới phát hiện đây là sản phẩm giả, không giống như các TikToker nói trên livestream TikTok.
“Mới đây mình có đặt mua ốp lưng kính cao cấp cho điện thoại iPhone 13 tại một shop có địa chỉ ở Hà Nội trên nền tảng TikTok Shop. Khi nhận hàng mình thực sự thất vọng vì sản phẩm hoàn toàn khác quảng cáo”- chị Phạm Thị Hồng Nhung, ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Cụ thể, chị Nhung đặt hai chiếc ốp lưng cho iPhone 13 nhưng kết quả lại nhận được hai chiếc ốp cho iPhone 7 Plus. Không những thế, khi liên hệ lại shop bán hàng thì thuê bao bị khóa một chiều nên không thể phản ánh.
Ngoài ra, TikTok Shop còn có chức năng ẩn được quảng cáo, không cho bình luận. “Khi bấm vào clip trên TikTok Shop chỉ có nút ấn mua hàng chứ không có nút báo cáo chất lượng kém. Vì thế tôi không thể cảnh báo để những người mua sau tránh xa những shop làm ăn lừa đảo, thiếu uy tín như vậy”- chị Nhung bức xúc.
Theo tìm hiểu, mặc dù TikTok đã có nhiều biện pháp nhằm quản lý hàng giả, hàng nhái song các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vẫn có “đất sống” trên nền tảng này. Theo đó, người bán chỉ cần cài đặt giảm giá sâu cho sản phẩm cần bán và thông qua TikTok Shop sẽ nhanh chóng đẩy sản phẩm lên nhóm thịnh hành mà không cần giấy tờ kiểm duyệt nguồn gốc.
Bạn Phạm Hoàng Nhân (sinh viên trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) - cho biết: Khi lướt nền tảng TikTok Shop rất dễ thấy các sản phẩm có mức giá rẻ đến bất ngờ, điển hình không khó để bắt gặp các sản phẩm nước hoa cho nam/nữ có mức giá giao động từ vài chục tới vài trăm ngàn. Đặc biệt, trên nền tảng mua sắm này cũng không khó bắt gặp các sản phẩm như thuốc, thực phẩm chức năng được bày bán công khai. Nếu không may mua phải các loại thuốc hay thực phẩm chức năng giả kém chất lượng thì người mua sẽ “tiền mất, tật mang”.
Trước vấn đề bất cập trên TikTok, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ thanh tra toàn diện TikTok. Việc thanh tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5, nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu phát hiện sai phạm, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ xử lý nghiêm; đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.