Dùng công nghệ số, thương mại điện tử để gian lận thương mại
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật số, chia sẻ dữ liệu để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đây là giải pháp nổi bật được đưa ra tại Hội thảo "Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng- Thực trạng và giải pháp"
Hội thảo do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức ngày 28/9, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hội thảo có sự tham dự của những đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là một trong những vấn nạn của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân, lợi ích người tiêu dùng, uy tín thương hiệu của tổ chức cả nhân sản xuất, kinh doanh chính đáng.
Để xử lý vấn nạn này, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 17/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Công an, Hải quan... đã vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp lên án, tẩy chay, tổ giác các hành vi vi phạm, đã phát hiện và xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức, triển khai hành động và kết quả thực hiện. 4 năm trở lại đây, số vụ việc được phát hiện, xử lý đã giảm dần, từ gần 8.500 vụ vào năm 2019 đến năm 2022 chỉ còn hơn 3.500 vụ.
Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: "Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng hóa đặc biệt, sản xuất kinh doanh có điều kiện, liên quan đến chăm sóc và nâng cao sức khỏe của cộng đồng. Nếu để hậu quả xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với nhóm mặt hàng này đã được nâng lên về mọi mặt. Góp phần ổn định thị trường sản xuất, kinh doanh trong nước. Thu nộp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động."
Hiện nay, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đã chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát qua đường mòn, lối mở, hàng xách tay... sang việc lợi dụng tư cách pháp nhân thành lập các doanh nghiệp liên doanh, liên kết trong và ngoài nước.
Từ đó, hình thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại với quy mô lớn hơn, tinh vi, nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, nhiều đối tượng chuyển từ giao nhận truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, chuyển phát nhanh để mua bán các sản phẩm vi phạm.
Các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ được công khai giao dịch trên mạng, đến tận nhà dân; trong khi đó các cơ quan chức năng đang thiếu lực lượng, biện pháp ứng dụng, chưa phối hợp chặt chẽ để xử lý hành vi này. Sắp đến, các lực lượng chức năng tập trung xử lý kiên quyết các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, tụ điểm phức tạp để răn đe; đồng thời ứng dụng công nghệ số, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: "Tăng cường quản lý Nhà nước, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử, việc mua bán online, dùng mạng xã hội để kinh doanh. Ở đây đòi hỏi đến việc các văn bản quản lý thương mại điện tử, quảng cáo phải thích nghi với loại hình hiện nay. Việc đào tạo chuyên môn các cơ quan chức năng, liên quan công nghệ, thiết bị máy móc cho lực lượng thực thi để người ta biết làm như thế nào."