Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các vùng sâu vùng xa
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo kết quả công tác trọng tâm năm 2023 của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) ngày 12/1/2024.
Số thu, chi tiền mặt qua KBNN còn rất thấp
Theo KBNN, 2023 là năm thứ hai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, hệ thống KBNN đã nỗ lực hiện đại hóa phương thức thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); tăng cường trao đổi, phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan, thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử nhằm gia tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân như tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan Thuế, Hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và các hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại.
Theo thống kê, trong năm 2023, số thu chi NSNN bằng tiền mặt tại hệ thống KBNN tiếp tục giảm, số thu NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu NSNN, giảm 0,091% so với năm 2022; số chi NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,097% so với tổng chi NSNN,giảm 0,263% so với năm 2022.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Lưu Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KBNN), để có những kết quả như trên hệ thống KBNN đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, từ việc tổ chức thực hiện đến cơ chế chính sách; xây dựng đề án thanh toán không dùng tiền mặt với mục đích chung để giảm thu – chi tiền mặt qua KBNN.
Ông Trần Lưu Quang cho biết, thực tế vẫn còn những khoản chi tiền mặt qua KBNN dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo quy định hiện nay, những khoản được phép chi tiền mặt qua KBNN như: Khoản thanh toán cá nhân của các đơn vị hưởng lương ngân sách chưa có điều kiện để chuyển khoản được như ở các vùng sâu vùng xa; Một số khoản chi bằng tiền mặt như chi trả nợ, chi đền bù giải phóng mặt bằng; Chi về nghiệp vụ mật của khối an ninh quốc phòng...
Cùng với đó, theo quy định, mua sắm hàng hoá dịch vụ dưới 5 triệu đồng được phép thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Ngoài ra, với những khoản chi mua sắm hàng hoá ở mức dưới 100 triệu đồng cũng có thể được rút tiền mặt tại KBNN, nhưng từ 100 triệu đồng trở lên thì rút tiền mặt tại ngân hàng.
“Với những mức đã giảm đáng kể như vậy, mục tiêu của hệ thống KBNN là đến năm 2025 không còn chi tiền mặt. Về thu tiền mặt, chỉ hướng tới giảm mức thấp nhất vì theo quy định của Luật Quản lý thuế, với người nộp thuế nộp thuế, phí, lệ phí có quyền chọn phương thức nộp bằng tiền mặt hay chuyển khoản tại các điểm thu… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, vận động người nôp thuế nộp tại các điểm thu của ngân hàng thương mại”, ông Trần Lưu Quang chia sẻ.
Mặt khác, để tránh tình trạng thực hiện chi sai tiền mặt hoặc các đề nghị sai, hệ thống KBNN sẽ tập trung vào tăng cường kiểm soát chi NSNN với các khoản chi; phân định rõ khoản nào sẽ chuyển khoản; khoản nào được rút tiền mặt; từ đó yêu cầu khách hàng thực hện đúng quy định.
Thời gian tới, KBNN cũng tiếp tục mở rộng các kênh thanh toán phối hợp thu với ngân hàng thương mại; mở rộng các tài khoản chuyên thu, đẩy mạnh các kênh thu nộp điện tử qua các kênh trung gian than toán. Đồng thời mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc phải thanh toán qua kênh chuyển khoản thông qua việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khảo sát các địa bàn, những nơi có thể thực hiện tốt việc trả lương qua tài khoản, nhất là ở những vùng sâu vùng xa.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Để tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN đã triển khai uỷ quyền thanh toán các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông. Tính đến ngày 31/12/2023, có tổng cộng 39.388 đơn vị sử dụng ngân sách đã uỷ quyền để KBNN thực hiện thanh toán số tiền hơn 1.459 nghìn tỷ đồng cho dịch vụ điện, nước và 176 tỷ đồng cho dịch vụ viễn thông trên toàn quốc.
Theo ông Trần Mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN), sau khi uỷ quyền cho KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách không cần lập hồ sơ thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các hoá đơn của đơn vị sử dụng ngân sách sẽ được KBNN tự động thanh toán ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ. Do ngày thanh toán được ấn định trước, việc triển khai chương trình góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo ngân quỹ. Đồng thời, các nhà cung cấp phối hợp với KBNN cũng được hưởng lợi từ chương trình do dòng tiền được lưu thông nhanh chóng, chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch.
“Hiện nay, có khoảng 120 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách, tính trung bình mỗi tháng sẽ có khoảng 240 nghìn hồ sơ đề nghị thanh toán khoản chi điện, nước với quy trình thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến giống như các khoản chi khác. Với gần 40 đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện uỷ quyền thanh toán, ước tính giảm được tổng số 90.684 hồ sơ giao dịch/tháng). Điều này đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động”, ông Trần Mạnh Hà cho biết.
Thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp, đơn vị sử dụng ngân sách để phát triển và mở rộng việc uỷ quyền thanh toán. Đồng thời sẽ có lộ trình để dần dần phủ sóng tới khắp các đơn vị sử dụng ngân sách.