ChatGPT và tương lai của y học
Không cần vất vả đọc một cuốn sách chuyên ngành, không cần dành một ngày nào ở trường y, trí tuệ nhân tạo ChatGPT trả lời đúng, đủ các câu hỏi thực hành để có thể thực sự vượt qua kỳ thi cấp phép y tế của Hoa Kỳ.
ChatGPT có thể thay thế bác sĩ?
Công cụ này được tạo ra để trả lời các câu hỏi của người dùng theo cách trò chuyện, đã tạo ra nhiều tiếng vang đến mức các bác sĩ và nhà khoa học đang cố gắng xác định những hạn chế của nó cũng như tìm hiểu xem nó có thể làm gì cho y học và sức khỏe cộng đồng.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ do OpenAI, có trụ sở tại San Francisco, tạo ra và ra mắt vào tháng 11-2022. Nó có thể trả lời các câu hỏi ngay cả khi chưa bao giờ nhìn thấy một chuỗi từ cụ thể trước đó, bởi vì thuật toán của ChatGPT được lập trình để dự đoán từ nào sẽ xuất hiện trong câu dựa trên ngữ cảnh của từ đứng trước nó và dựa trên kiến thức được lưu trữ trên máy chủ để tạo phản hồi. Theo công ty sáng tạo, ChatGPT cũng có thể trả lời các câu hỏi tiếp theo, thừa nhận sai lầm và từ chối các câu hỏi không phù hợp.
Trước đây, một số chương trình trí tuệ nhân tạo đã được thử nghiệm, tuy nhiên, ChatGPT thu hút nhiều sự quan tâm đến mức các cơ sở y tế, hiệp hội nghề nghiệp và tạp chí y khoa đã thành lập các nhóm đặc nhiệm để xem nó có thể hữu ích như thế nào và hiểu những hạn chế của nó.
Phòng khám Ansible Health của Tiến sĩ Victor Tseng (Mỹ) đã thành lập một nhóm chuyên gia về vấn đề này và chứng minh ChatGPT có thể vượt qua kỳ thi cấp phép y tế. Tseng cho biết, các đồng nghiệp của ông bắt đầu thử nghiệm ChatGPT vào năm ngoái và rất thích thú khi nó chẩn đoán chính xác các bệnh nhân giả vờ trong các tình huống giả định. Ông nói: "Chúng tôi rất ấn tượng và thực sự sửng sốt trước khả năng hùng biện và kiểu phản ứng trôi chảy của nó đến nỗi đã quyết định rằng, chúng tôi nên thực sự đưa điều này vào quy trình đánh giá chính thức của mình và bắt đầu kiểm tra nó dựa trên tiêu chuẩn về kiến thức y tế".
Điểm chuẩn đánh giá đó là bài kiểm tra gồm ba phần mà sinh viên tốt nghiệp trường y Hoa Kỳ phải vượt qua để được cấp phép hành nghề y. Đó là một trong những bài khó nhất vì ở đó không có những câu hỏi đơn giản với câu trả lời có thể dễ dàng tìm thấy trên internet. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 305 câu hỏi kiểm tra có sẵn từ kỳ thi mẫu tháng 6 năm 2022. Không có câu trả lời hoặc ngữ cảnh liên quan nào được lập chỉ mục trên Google trước ngày 1-1-2022, vì vậy chúng không phải là một phần thông tin mà ChatGPT đã được cài đặt. Các tác giả nghiên cứu đã loại bỏ các câu hỏi mẫu có hình ảnh và đồ thị, đồng thời bắt đầu một phiên trò chuyện mới cho mỗi câu hỏi mà họ đặt ra. Sinh viên thường phải dành hàng trăm giờ để chuẩn bị, còn ChatGPT thì không. Nghiên cứu chỉ ra rằng AI đã thực hiện hoặc gần đạt tất cả các phần của bài kiểm tra, cho thấy "mức độ phù hợp và hiểu biết cao trong các giải thích của nó". Tiến sĩ Tseng rất ấn tượng, ông cho biết: "Tìm kiếm trên Google hay sách mở là rất khó - có thể mất hàng giờ để trả lời một câu hỏi theo cách đó. Nhưng ChatGPT đã có thể đưa ra câu trả lời chính xác khoảng 60% với những lời giải thích thuyết phục trong vòng năm giây".
Đóng góp vào quá trình cải thiện y tế
Tiến sĩ Alex Mechaber, Phó Chủ tịch Kỳ thi cấp phép y tế Hoa Kỳ tại Ủy ban Giám định y khoa Quốc gia, cho biết: Kết quả bài kiểm tra của ChatGPT không làm ông ngạc nhiên, tuy nhiên, các thành viên đặc biệt quan tâm đến câu trả lời mà công nghệ đã sai và họ muốn hiểu tại sao. "Chúng tôi nhận thức khá rõ ràng và cảnh giác trước những rủi ro liên quan tới khả năng đưa thông tin sai lệch cũng như khả năng tạo ra những định kiến có hại. Tôi nghĩ rằng nó sẽ ngày càng tốt hơn, chúng tôi rất phấn khích và muốn tìm hiểu làm thế nào để nắm bắt và sử dụng nó đúng cách" - Tiến sĩ Alex Mechaber cho biết.
Tuy nhiên, ChatGPT cũng có một số hạn chế. Nhóm của Tiến sĩ Victor Tseng đang tiếp tục kiểm tra để tìm hiểu lý do tại sao nó tạo ra một số lỗi nhất định và những thông số đạo đức nào khác cần được đưa ra trước khi sử dụng nó trong thực tế. Tiến sĩ Linda Moy, giáo sư X quang tại Trường Y khoa NYU Grossman (Mỹ) cho biết, bài viết của ChatGPT khá chính xác, nhưng nó chỉ mang tính chất tham khảo. Một trong những lo ngại khác của Moy là AI có thể ngụy tạo dữ liệu: "Với rất nhiều thông tin không chính xác có sẵn trực tuyến về những thứ như vắc-xin Covid-19, nó có thể sử dụng thông tin đó để tạo ra kết quả không chính xác".
Đồng nghiệp của Moy, Tiến sĩ Artie Shen cho hay: "ChatGPT có thể nâng cao hoạt động y tế giống như cách thông tin y tế trực tuyến, vừa trao quyền cho bệnh nhân vừa buộc các bác sĩ trở thành những người giao tiếp tốt hơn, bởi vì giờ đây họ phải cung cấp thông tin chi tiết về bệnh lý và giải đáp được những thông tin mà bệnh nhân đọc được từ ChatGPT".
ChatGPT sẽ không thay thế bác sĩ - đó là điều chắc chắn. Nhưng Tiến sĩ Tseng nghĩ rằng nó có thể làm cho ngành y dễ tiếp cận hơn. Ví dụ: Một bác sĩ có thể yêu cầu ChatGPT đơn giản hóa thuật ngữ y tế phức tạp thành ngôn ngữ mà một người học hết lớp 7 có thể hiểu được. "AI ở đây. Các cánh cửa đang mở!" Tseng nói. "Hy vọng cơ bản của tôi là nó thực sự sẽ giúp chúng tôi với tư cách là bác sĩ và nhà cung cấp trở nên tốt hơn".