AI đang tấn công thị trường lao động toàn cầu “như một cơn sóng thần”
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2024, rằng vào năm 2030, hơn 40% lực lượng lao động toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ AI. Còn Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết AI đang tấn công thị trường lao động toàn cầu “như một cơn sóng thần”.
Theo báo cáo thị trường tuyển dụng 2024-2025, bức tranh thị trường lao động dự báo sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể dưới sự tác động ngày càng lớn của công nghệ, đặc biệt là AI.
![](https://media.thanhtra.com.vn/public/uploads/2025/02/12/67aca52cb63e7aa230c4b9ce.jpg)
AI đang làm thay đổi thị trường lao động toàn cầu (Ảnh minh họa).
Thay vì xem AI như "phép màu", người lao động chỉ nên coi là công cụ hỗ trợ
Báo cáo thị trường tuyển dụng 2024 - 2025 của Công ty công nghệ nhân sự Top CV được phân tích dựa trên kết quả khảo sát với gần 3.000 doanh nghiệp, người lao động, cùng dữ liệu 300.000 tin tuyển dụng.
Kết quả khảo sát cho thấy, 61,2% doanh nghiệp đã chủ động nhận thức, bước đầu ứng dụng AI vào quy trình vận hành. Tuy nhiên, vẫn còn 38,7% doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng ứng dụng AI, phần lớn bởi tác động của AI đến hiệu quả kinh doanh chưa đủ rõ rệt. Chỉ 13,5% doanh nghiệp nhận thấy AI có tác động đáng kể.
Trong khi đó, theo khảo sát Xu hướng nhân sự năm 2024 của công ty tư vấn về nhân lực Anphabe Việt Nam, giai đoạn 2024 -2025, 28% doanh nghiệp chia sẻ có định hướng ứng dụng AI sâu hơn trong các công việc.
Trong 5 năm tới, con số này dự kiến sẽ tăng lên đến 75%, khi các doanh nghiệp đặt mục tiêu đưa AI vào ứng dụng rộng rãi trong công việc.
Song song, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến AI cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường lao động Việt Nam. Dù vậy, các tin tuyển dụng mới chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành trực tiếp liên quan đến AI như Engineer (kỹ sư), Data Scientist (khoa học dữ liệu), Researcher (nghiên cứu), hay Business Intelligence (BI).
Để sử dụng trí tuệ nhân tạo hiệu quả, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe cho rằng, người lao động nên chủ động tìm hiểu rõ công dụng và các ứng dụng thực tế của công nghệ này.
"Thay vì xem AI như một lời giải cho mọi vấn đề, thì người đi làm nên coi đây là một công cụ hỗ trợ, đồng thời không ngừng học hỏi và nâng cao năng lực, kỹ năng cá nhân để thích nghi cùng sự phát triển của AI", bà Thanh Nguyễn chia sẻ.
Với câu hỏi liệu AI có phải mối đe dọa đến việc làm của lao động, bà Thanh Nguyễn cho rằng, mối quan tâm về tác động của trí tuệ nhân tạo và công nghệ đối với việc làm là có thật và cũng là một trong những trăn trở lớn của người đi làm ngày nay.
48,4% người đi làm được khảo sát cho rằng AI nói riêng và công nghệ nói chung sẽ thay thế nhiều vị trí công việc trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 37,9% lo ngại AI sẽ làm mất việc làm và buộc người đi làm phải định hình lại sự nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Thanh Nguyễn, khảo sát cũng ghi nhận những góc nhìn tích cực hơn khi 58,8% tin rằng AI sẽ đồng hành và hỗ trợ trong công việc để đạt hiệu quả công việc cao hơn.
Đồng thời, 58,2% nhận định AI đóng vai trò như một "người hỗ trợ", giúp họ phát triển ý tưởng, cải thiện hiệu suất và tập trung vào những kỹ năng đòi hỏi tư duy phức tạp hơn.
![](https://media.thanhtra.com.vn/public/uploads/2025/02/12/67aca60cb63e7aa230c4b9eb.jpg)
Thay vì xem AI như "phép màu", người lao động chỉ nên coi là công cụ hỗ trợ (Ảnh minh họa)
Gần 40% việc làm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi AI
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tại Diễn đàn kinh tế thế giới đầu năm 2024 rằng vào năm 2030, hơn 40% lực lượng lao động toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ AI.
Nhiều chuyên gia trên thế giới có chung nhận định rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi căn bản và toàn diện nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đe dọa thay thế con người trong một số ngành nghề và xuất hiện thêm những ngành nghề mới khác.
AI đang ngày càng tự động hóa nhiều công việc và các chuyên gia dự đoán, đến năm 2025, AI có thể thay thế một số nghề nghiệp toàn thời gian.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI đang làm thay đổi hoàn toàn tình hình trên thị trường lao động. Theo báo cáo của IMF, gần 40% việc làm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi AI. Các nền kinh tế phát triển nhất phải đối mặt với rủi ro lớn hơn nhưng họ cũng có sự chuẩn bị tốt hơn để thu được lợi ích so với các nước đang phát triển.
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết AI đang tấn công thị trường lao động toàn cầu “như một cơn sóng thần”.
Cách mạng công nghiệp đã đưa con người vào các nhà máy. Sau đó, tự động hóa đã đưa họ ra khỏi các nhà máy, dẫn đến sự phát triển của ngành dịch vụ. Tuy nhiên, bất chấp những làn sóng “hủy diệt” này, tổng số người có việc làm vẫn tiếp tục tăng.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI đang làm thay đổi hoàn toàn tình hình trên thị trường lao động. Theo báo cáo của IMF, gần 40% việc làm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi AI.
Các nền kinh tế phát triển nhất phải đối mặt với rủi ro lớn hơn nhưng họ cũng có sự chuẩn bị tốt hơn để thu được lợi ích so với các nước đang phát triển.
Điều này có thể mở rộng khoảng cách kỹ thuật số và khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Ở các nền kinh tế phát triển, khoảng 60% việc làm bị ảnh hưởng bởi AI do tỷ lệ công việc tập trung vào phát triển kinh tế trí thức cao, trong khi đó ở các nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức 40%, còn ở các nước thu nhập thấp chỉ là 26%.
Bà Kristalina Georgieva nhận định: “Chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho người dân và doanh nghiệp cho việc này. Điều đó có thể dẫn đến năng suất tăng lên rất nhiều nếu chúng ta quản lý tốt, nhưng nó cũng có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch hơn và tất nhiên là gây ra nhiều bất bình đẳng hơn trong xã hội”.
13 năm gắn bó với nghề thiết kế đồ họa, nhiều họa sĩ cũng như nhân viên IT làm nghề đồ họa cảm thấy nguy cơ thất nghiệp rõ ràng như trong năm qua khi 90% khách hàng của cô đã dừng hợp tác, chuyển sang dùng AI.
Trước đây, thu nhập của nghề này chủ yếu đến từ hai nguồn: công ty thiết kế game và các dự án cộng tác với các nhà xuất bản.
Tuy nhiên, trong suốt năm qua, khách hàng đã chuyển sang dùng tranh AI, vì khi dùng AI, dù biết sản phẩm chưa tốt như của họa sĩ nhưng cho ra kết quả nhanh, có nhiều gợi ý ý tưởng và quan trọng là tiết kiệm chi phí.
Khó khăn mà nghề này đang đối mặt không phải là vấn đề cá nhân, mà là một xu hướng toàn cầu đã được dự báo trước. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu McKinsey Global Institute (Mỹ), ít nhất 14% nhân sự trên toàn cầu sẽ phải thay đổi nghề nghiệp do sự tiến bộ mạnh mẽ của công nghệ, robot và AI.
Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo không chỉ là thách thức mà còn mở ra những cơ hội mới để người đi làm phát huy và khai thác tiềm năng của mình.
Để thích ứng với sự chuyển dịch nhanh chóng trong thời đại số, việc thường xuyên cập nhật những năng lực mới và không ngừng học hỏi là điều kiện tiên quyết để người đi làm không bị đào thải và tự tin nắm bắt cơ hội.