Xuất khẩu cá tra vượt rào cản bán phá giá
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo tiếp tục áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với cá tra, cá basa Việt Nam với mức thuế toàn quốc là 2,39 USD/kg khiến không ít người lo lắng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản.
Bởi với giá trị 4,5 USD/kg, tính theo mức kỷ lục của năm 2022 thì thuế suất trên chiếm tỉ lệ hơn 50%, doanh nghiệp (DN) không thể chịu đựng vì lợi nhuận mặt hàng này thấp, chỉ dưới 0,5 USD/kg. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 16-9, một cán bộ Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết thông tin Mỹ tiếp tục áp thuế CBPG đối với cá tra, cá basa Việt Nam chỉ là một thông báo "thường niên", còn hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ của các DN Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, thậm chí tăng trưởng tốt trong năm nay. "Mỹ đã áp thuế CBPG cho cá tra, cá basa Việt Nam từ năm 2003 đến nay nhưng nhiều DN sản xuất, xuất khẩu cá tra, cá basa lớn của Việt Nam vẫn duy trì được mức thuế CBPG 0 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này" - cán bộ này thông tin.
Dù vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam và phía Mỹ theo dõi, cập nhật thông tin để xử lý các vấn đề liên quan nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của DN Việt Nam trong vụ việc.
Theo VASEP, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc, với kim ngạch 428 triệu USD trong 8 tháng đầu năm - tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Những DN có giá trị xuất khẩu lớn là: Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Nha Trang Seafoods, Nam Việt…
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, hiện có 19 DN được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng sản lượng tập trung vào một số DN có được mức thuế suất riêng rẽ thấp, những DN còn lại vẫn chịu rào cản lớn về thuế CBPG.
Dù có ít DN tham gia xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng dự kiến năm nay giá trị xuất khẩu đạt khoảng 570 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ sở cho dự báo trên là nhờ kết quả ấn tượng trong 8 tháng đầu năm của cá tra tại Mỹ và dịp mua sắm lớn nhất năm vào cuối năm đang bắt đầu.
Dù thị trường Mỹ rất hấp dẫn nhưng các DN cá tra không dễ thâm nhập. Trước tiên, DN phải vượt qua rào cản kỹ thuật, đáp ứng các quy định khắt khe để được Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Sau đó, DN phải tạm thời đóng mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg và bắt đầu tham gia vụ kiện CBPG cá tra vô cùng phức tạp để có mức thuế suất riêng rẽ thấp.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), cho hay Mỹ là thị trường lớn nhưng do vướng thuế CBPG nên DN không xuất khẩu được mặt hàng chủ lực là cá tra phi-lê mà chỉ xuất các mặt hàng còn xương như cá tra cắt khúc, cá tra nguyên con do không bị áp thuế CBPG. "Các loại cá còn xương chỉ phục vụ cộng đồng Việt Nam, châu Á nên thị phần rất nhỏ. Năm nay, chúng tôi có kế hoạch đưa cá tra phi-lê trở lại thị trường Mỹ nhưng việc đầu tiên là tìm kiếm thuế suất riêng rẽ thấp. Vấn đề thuế CBPG rất phức tạp, DN cần phải có luật sư am hiểu lĩnh vực tư vấn để kỳ vọng được mức thuế tốt" - ông Đạo nói.
Theo Ngọc Ánh
Người lao động