Xem xét miễn thuế hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp đặc biệt
Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 3271/TCHQ-TXNK gửi Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast về việc miễn thuế nhập khẩu hàng hóa chuyển nhượng của dự án ưu đãi đầu tư.
Tổng cục Hải quan cho biết, việc miễn thuế nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư và chuyển nhượng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế thực hiện theo điểm b khoản 1 Điều 15 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 của Quốc hội.
Theo đó, Luật quy định các đối tượng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, khoản 11, Điều 16, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đồng thời, căn cứ khoản 5, Điều 25, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12, Điều 1, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế nhưng sau đó có thay đổi về mục đích được miễn thuế thì phải khai tờ khai hải quan mới.
Chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Ngoài ra, Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn chi tiết việc thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa.
Căn cứ các quy định trên, dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, đảo Cát Hải, Hải Phòng của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án, miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ hoạt động của dự án.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đã được miễn thuế nhập khẩu nhưng không sử dụng cho dự án mà chuyển nhượng, thanh lý thì phải khai tờ khai hải quan mới và thực hiện chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới theo quy định.
Trường hợp dự án đầu tư ưu đãi theo quy định về đầu tư được phép tiếp nhận hàng hóa đã được miễn thuế nhập khẩu từ tổ chức, cá nhân khác chuyển nhượng tại Việt Nam để tạo tài sản cố định theo quy định trên phải đăng ký tờ khai hải quan mới đối với hàng hóa nhận chuyển nhượng, được miễn thuế nhập khẩu và tổ chức, cá nhân chuyển nhượng hàng hóa không phải nộp lại số thuế nhập khẩu đã được miễn.
Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác, chủ dự án không phải nộp lại số tiền thuế nhập khẩu đã được miễn đối với hàng hóa chuyển nhượng theo dự án và tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng dự án phải đăng ký tờ khai hải quan mới đối với hàng hóa nhận chuyển nhượng, được miễn thuế nhập khẩu nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Liên quan đến việc miễn thuế nhập khẩu theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 28, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9, Điều 1, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp đặc biệt khác được Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính”.
Đối chiếu với các quy định trên, Tổng cục Hải quan có chức năng, nhiệm vụ báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định miễn thuế theo thẩm quyền trong các trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, theo trình bày của Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast, Tổng cục Hải quan chưa có cơ sở xác định hàng hóa chuyển nhượng của Công ty thuộc trường hợp đặc biệt (khác với các trường hợp thông thường khác) để trình cấp có thẩm quyền xem xét miễn thuế theo quy định.
Lý do hoạt động chuyển nhượng hàng hóa nhập khẩu đã được miễn thuế của Dự án thuộc Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast sang Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là công việc trong nội bộ Tập đoàn Vingroup, giữa các cổ đông với nhau, bản chất là hoàn vốn cho công ty con, chuyển tiền để hạch toán kế toán, máy móc thiết bị không chuyển dịch vật lý và vẫn nằm tại nhà máy của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast. Sau khi tiếp nhận, Công ty VIG thực hiện hạch toán kế toán và khấu hao tài sản theo quy định.
Mặt khác, hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất ô tô điện của Dự án thuộc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast đã được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 11, khoản 13 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Điều 15 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 (nay là Luật Đầu tư số 61/2020/QH14).
Như vậy, chính sách ưu đãi cho dự án đã thực hiện theo đúng nội dung được nêu tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Tổng cục Hải quan nhận thấy các đề xuất của Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast chưa có cơ sở để trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ.