Vùng Đông Nam bộ: Khách du lịch đông nhưng doanh thu thấp
Đây là nội dung được đại diện các địa phương thảo luận, đề xuất giải pháp tại Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ được tổ chức ngày 22/12 tại tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu.
Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ là cơ hội để các đơn vị trong ngành du lịch trao đổi, hợp tác, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả du lịch của khu vực, góp phần phát triển du lịch bền vững của cả nước. Do đó, Hội nghị đã thu hút sự tham gia của các sở VHTT&DL, Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp của 6 tỉnh gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Tại Hội nghị, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cho biết, tỉnh này đã có nhiều nỗ lực để phát triển du lịch, với tốc độ tăng trưởng cao về lượng khách và doanh thu. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khách quốc tế và khách có chi tiêu cao. Ông Trịnh Hàng cũng kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với tỉnh để thúc đẩy du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch mới, cả nước sẽ có 6 vùng du lịch. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đồng hành với các địa phương và hỗ trợ đẩy mạnh việc liên kết vùng trong phát triển du lịch. Trong nhiều năm qua, vùng Đông Nam Bộ là điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam, nhưng doanh thu từ ngành này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng. Theo số liệu mới nhất, năm 2023, vùng này đón hơn 65 triệu lượt khách, chiếm hơn nửa lượng khách du lịch cả nước, nhưng chỉ đóng góp gần 27% tổng doanh thu du lịch.
Không chỉ tỉnh BR-VT, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, du lịch vùng Đông Nam Bộ hiện nay có lợi thế là điểm đến với cơ sở hạ tầng và dịch vụ tốt, đồng thời còn là nơi trung chuyển khách quốc tế và gửi khách đến các khu vực khác của cả nước.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hà Văn Siêu, mặc dù chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số khách du lịch cả nước, nhưng doanh thu du lịch vùng Đông Nam Bộ còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Đây là một bài toán mà vùng Đông Nam Bộ cần tập trung giải quyết.
Góp ý tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu cho rằng, vùng Đông Nam Bộ cần tập trung giải quyết bài toán tăng doanh thu từ du lịch, bằng cách đưa ra các giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú và chỉ tiêu của khách, cũng như tăng cường liên kết với các khu vực khác trong cả nước.
Tại Hội nghị, một số doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm thực hiện liên kết vùng để phát triển du lịch. Điển hình, ông Lê Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Saigontourist cho biết, hiện công ty có nhiều tour, tuyến kết nối vùng Đông Nam Bộ, trong đó có các tour Côn Đảo, Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, Hồ Cốc. Công ty cũng có lượng khách quốc tế ổn định, có sức chi tiêu cao, đi bằng đường thuỷ, cập cảng tại Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, đại diện Vietravel cho biết, đã triển khai một số sản phẩm liên tuyến vùng tại Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và TP HCM, như “Vũ điệu sóng biển”, “khám phá sông nước miệt vườn”, “Màu xanh trên miền đất thép”… Công ty cũng tập trung vào các tour văn hoá, lịch sử, tâm linh, chữa lành, sự kiện, lễ hội, kết hợp tuyến đường thuỷ.
Theo ông Nguyễn Hữu Ân, đại diện Sở Du lịch TP HCM, vừa qua TP HCM đã công bố và giới thiệu 17 tuyến du lịch đường thuỷ mới, thường kỳ tới các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, giúp tăng lượng khách bằng đường thuỷ tại TP HCM gấp ba so với năm 2022.
Cũng theo ông Ân, TP HCM đề xuất các địa phương trong vùng phối hợp xây dựng cơ chế thuận lợi, thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khai thác các chương trình du lịch đường biển kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.