A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tìm kiếm vận may cho 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á

Năm Sửu của châu Á đã không đạt được những thành tựu đáng hy vọng như hình ảnh đại diện mà “con trâu” mang lại - sự siêng năng và giàu có, bởi một năm đại dịch vẫn tiếp tục tàn phá các nền kinh tế. Năm Nhâm Dần đang đến, được kỳ vọng sẽ mang lại sự tăng trưởng và sức sống mới. The Diplomat xem xét một số giải pháp tiềm năng cho 3 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ để giúp chuyển đổi vận may của họ.

Trung Quốc: Cần sự linh hoạt

Trung Quốc từng hy vọng có thể thúc đẩy "sức mạnh mềm" toàn cầu nhờ đăng cai Thế vận hội Mùa đông. Tuy nhiên, tham vọng này đã bị giáng một đòn mạnh bởi Covid-19 và vấn đề địa chính trị.

Mặc dù theo đuổi cách tiếp cận khá nghiêm ngặt trong phòng, chống Covid-19, song Trung Quốc không thể ngăn chặn đợt bùng phát mới đây ở Tây An. Eurasia Group cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các đợt phong tỏa quy mô lớn hơn có thể sẽ dẫn đến gián đoạn kinh tế, áp lực đối với chuỗi cung ứng và lạm phát cao hơn.

Các biện pháp mạnh tay của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài trở nên chùn bước. Gần 1,5 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị cổ phiếu công nghệ và Internet Trung Quốc trong năm 2021, khi các nhà đầu tư đánh giá lại tác động của các chính sách “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tác động của nó đối với các doanh nhân công nghệ thông tin như Jack Ma.

Bị ảnh hưởng bởi “vụ vỡ nợ” của gã khổng lồ bất động sản Evergrande, những tác động nghiêm trọng của đại dịch, Trung Quốc chỉ còn chiếm một phần tư tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2021, giảm so với mức một phần ba trước đại dịch. Sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm tới 30% giá trị nền kinh tế Trung Quốc, có thể tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2022.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng GDP của Trung Quốc sẽ vào khoảng 5,6%, giảm so với mức ước tính 8% của năm ngoái. Capital Economics cảnh báo, triển vọng kinh tế của Trung Quốc hiện “đáng lo ngại hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ giai đoạn phong tỏa đầu tiên khi Covid-19 mới xuất hiện”.

Các nhà phân tích cho rằng, để tìm kiếm vận may trong năm mới, Trung Quốc có thể phải điều chỉnh một chút cách tiếp cận với đại dịch. Ngoài ra, các biện pháp mạnh tay đối với hoạt động của khu vực tư nhân cũng có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Với áp lực gia tăng cả bên trong và bên ngoài, nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn sẽ là điều cần thiết để duy trì sự ủng hộ của công chúng, đặc biệt trong trường hợp đại dịch diễn biến nghiêm trọng hơn.

Nhật Bản: Chủ nghĩa tư bản mới đối mặt với thách thức cũ

“Chủ nghĩa tư bản mới” của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phải đối mặt với một số thử nghiệm cũ trong năm 2022, bao gồm hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và ngăn chặn nguy cơ giảm phát. Ông Kishida cũng cần giữ chân cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhấn mạnh nhu cầu tăng lương và phân bổ lại của cải.

Những thách thức mà “Kishidanomics” phải đối mặt đã được tờ Nikkei của Nhật Bản làm nổi bật, khi tờ báo xếp hạng Nhật Bản thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác về tăng trưởng GDP và tiền lương thực tế, trong khi đánh giá công dân của nước này “chỉ hạnh phúc hơn một chút so với công dân Trung Quốc”.

Với xu hướng tiêu dùng giảm và số ca Covid-19 hàng ngày gần đây đạt mức cao nhất trong ba tháng, Thủ tướng Kishida có thể sẽ phải đưa ra biện pháp kích thích tài khóa kỷ lục với mức lãi suất cực thấp; đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng Covid-19 để giữ cho nền kinh tế phát triển.

Điều này đặc biệt quan trọng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện, dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào ngày 10.7 của năm nay. Mặc dù không quan trọng bằng cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng vai trò lãnh đạo của ông Kishida có thể bị đe dọa nếu làn sóng nhiễm Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, một thành công bầu cử cho liên minh cầm quyền sẽ giúp Thủ tướng Kishida có 3 năm nghỉ ngơi trước cuộc bầu cử tiếp theo. Đây sẽ là “không gian hít thở” quý giá để giải quyết các thách thức ngoại giao và các vấn đề khác.

May mắn thay cho ông Kishida, nền kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay - mức tăng trưởng mạnh nhất trong một thập kỷ - nếu không bất ngờ vướng phải bất kỳ rủi ro nào từ đại dịch.

Các nhà phân tích dự báo, tương tự như năm 2021, khả năng của chính quyền trong việc quản lý đại dịch Covid-19 vẫn là chìa khóa để đảm bảo thành công kinh tế và bầu cử. Tuy nhiên, không giống như năm ngoái, sẽ không có “một Thế vận hội” nào để chuyển hướng sự chú ý của công chúng nếu những nỗ lực của Chính quyền Tokyo không thành công.

Ấn Độ: Kéo gần khoảng cách phát triển

Trong năm nay, Ấn Độ sẽ kỷ niệm 75 năm giành độc lập trong bối cảnh áp lực kinh tế và chính trị gia tăng đối với Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.

Về mặt kinh tế, dữ liệu GDP dường như cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc. Ấn Độ dự kiến ​​sẽ khẳng định danh hiệu nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2021, với mức tăng trưởng GDP ước tính là 9,5%, một con số được cho là chỉ giảm nhẹ ở mức 8,5% trong năm nay. Capital Economics ước tính, mức giảm GDP của Ấn Độ so với trước đại dịch là một trong những mức giảm lớn nhất thế giới (7%), điều đó đồng nghĩa với việc Ấn Độ còn nhiều dư địa để phục hồi.

Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi đáng kể, hoạt động của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có phần thiếu đồng đều. Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính, hơn 30 triệu người Ấn Độ thuộc tầng lớp trung lưu đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói do tác động của đại dịch Covid-19, với số lượng người nghèo tuyệt đối tăng khoảng 75 triệu người.

Với tài chính hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, bất bình đẳng gia tăng và chi tiêu công có khả năng gặp khó khăn bởi các biện pháp siết chặt tài khóa, đà phục hồi có thể bị đình trệ. Lạm phát cũng có thể tăng nhanh, đặc biệt nếu Ấn Độ phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng của nước này còn tương đối thấp.

Về mặt chính trị, BJP phải đối mặt với một loạt các cuộc bầu cử cấp bang, vốn được coi là bước thăm dò quan trọng trước các cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2024. Cuộc bỏ phiếu được quan tâm nhất là ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 1/5 số ghế trong Quốc hội Ấn Độ. BJP cầm quyền đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội tiềm tàng về khả năng quản lý đại dịch và cũng như sự xuống cấp của luật pháp và trật tự.

Về chính sách đối ngoại, Ấn Độ phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố tiềm tàng từ Afghanistan do Taliban cai trị cùng với căng thẳng tiếp diễn ở Kashmir. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn đến từ nước láng giềng Trung Quốc, với nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ biên giới tiềm tàng.

Modi phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc vượt qua đại dịch và đảm bảo phục hồi kinh tế toàn diện, đặc biệt là nhiệm vụ kéo gần khoảng cách phát triển giữa các tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, các lựa chọn cải cách của ông sẽ gặp phải hạn chế do thái độ bất bình gần đây của dân chúng cùng với chính sách thúc đẩy cải cách nông nghiệp của ông không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, với những gì mà Ấn Độ đã đạt được trong năm qua, cùng với đà phục hồi hứa hẹn, nhà chủ nghĩa dân tộc Hindu 71 tuổi vẫn có thể trở thành một trong những nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất của Ấn Độ trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Với thực tế là đại dịch Covid-19 đã xóa sổ khoảng 1,7 nghìn tỷ USD khỏi các nền kinh tế lớn nhất châu Á, khu vực này có rất nhiều việc phải làm trong năm 2022. Cả khu vực đang trông chờ vào 3 nền kinh tế nặng ký nhất dẫn đầu tiến trình phục hồi khi động cơ tăng trưởng kinh tế thế giới quay trở lại.


Tác giả: Theo daibieunhandan.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo