Tỉ giá hạ nhiệt sẽ khuyến khích sức mua
Giá USD liên tục đổ đèo kể từ đầu tháng 8. So với mức đỉnh giữa tháng 4, giá bán USD tại ngân hàng đã giảm khoảng 427 đồng/USD, tương đương 1,68%.
Trong khi đó, những tháng đầu năm 2024, tỉ giá USD/VND liên tục tăng nóng, có thời điểm tiệm cận 25.500 đồng/USD. Theo các chuyên gia, tỉ giá hạ nhiệt sẽ tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa.
Mốc 25.000 đồng/USD đang bị lung lay
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khoảng 10 ngày trở lại đây, giá bán USD tại ngân hàng đã có lúc thủng ngưỡng 25.000 đồng/USD.
Cụ thể ngày 27-8, VietinBank niêm yết giá bán USD ở mức 24.989 đồng/USD, mua vào 24.649 đồng/USD. Giá bán USD tại nhiều ngân hàng cổ phần cũng rơi xuống dưới mốc 25.000 đồng/USD, như ACB mua USD với giá 24.630 đồng/USD, còn giá USD bán ra là 24.990 đồng/USD.
Như vậy sau thời gian tăng nóng và duy trì ở mức cao, kể từ đầu tháng 8 gió đã đổi chiều, USD quay đầu giảm giá. So với mức đỉnh giữa tháng 4, giá bán USD tại ngân hàng đã giảm khoảng 427 đồng/USD, tương đương 1,68%.
Theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính, nguyên nhân chính khiến USD lao dốc là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, giúp giảm chênh lệch lãi suất VND - USD.
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 8 của Công ty chứng khoán VNDirect, tỉ giá và lạm phát hạ nhiệt mở đường cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuyển hướng đáng chú ý về chính sách tiền tệ vào đầu tháng 8 sau động thái giảm cả lãi suất thị trường mở và lãi suất tín phiếu xuống 4,25%/năm từ mức 4,5% trước đó. Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024.
"Chúng tôi dự báo tỉ giá duy trì xu hướng hạ nhiệt về cuối năm với kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9, qua đó khiến đồng USD tiếp tục suy yếu. Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại cao (14,5 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm), vốn FDI dồi dào và kỳ vọng vào dòng kiều hối mạnh mẽ trong quý 4.
Với những diễn biến thuận lợi hiện tại, dự báo tỉ giá USD/VND liên ngân hàng về dưới 25.000 đồng/USD cuối năm nay của chúng tôi thậm chí có thể xảy ra sớm hơn dự kiến trong kịch bản tích cực", VNDirect đưa ra dự báo.
Tăng cường sức mua nội địa
Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định tỉ giá hạ nhiệt sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng.
Với việc đồng USD giảm giá, các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu, đồ uống hay các nhóm có tỉ lệ vay nợ ngoại tệ cao cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Theo Công ty chứng khoán SSI, tỉ giá liên ngân hàng, tỉ giá niêm yết tại ngân hàng và tỉ giá tự do giảm mạnh thời gian qua nhờ kỳ vọng Fed giảm lãi suất, từ đó giúp cho tâm lý đầu cơ giảm dần trên thị trường.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra khoảng 6 tỉ USD dự trữ ngoại hối để kiềm chế đà tăng tỉ giá trong 6 tháng đầu năm nay. Áp lực từ thị trường ngoại hối đã giảm đáng kể kể từ đó.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định việc tỉ giá đi xuống sẽ giúp cho giá cả hàng hóa nhập khẩu giảm theo. Tuy nhiên, trái lại các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.
Doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi
Ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, cho biết tỉ giá USD hạ nhiệt giúp doanh nghiệp có lợi hơn nhờ đang tăng nhập khẩu từ một số thị trường.
"Nhập khẩu nội khối ASEAN gần như không tốn nhiều thuế, phí, thêm vào đó thanh toán bằng USD với tỉ giá đang giảm giúp mỗi tấn hồ tiêu đơn vị nhập vào có thể giảm được vài triệu đồng", ông Thông cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM xác nhận việc tỉ giá USD hạ nhiệt đang giúp doanh nghiệp đỡ áp lực hơn trong việc tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu, bao bì để chuẩn bị sản xuất phục vụ cho mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm.
Ông Nguyễn Đức Hùng, đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM, cho biết nguyên liệu chính làm vỏ, hộp là hạt nhựa gần như phải nhập khẩu cùng nhiều loại phụ gia thực phẩm khác.
Do đó, tỉ giá giảm giúp doanh nghiệp đỡ gánh nặng trong thời điểm giá đầu vào nhiều mặt hàng tăng kéo dài, nhu cầu tiêu dùng lại giảm. Tuy vậy, mức giảm tỉ giá như hiện nay chưa nhiều, nên tác động kể ra chưa lớn.
"Nếu tỉ giá giảm thêm, về mức 23.500 - 24.000 đồng/USD thì giá thành sản xuất của nhiều dòng sản phẩm có nguồn nguyên liệu được nhập khẩu sẽ giảm đáng kể so với đầu năm, giúp doanh nghiệp tự tin hạ giá thành để kích thích sức mua", ông Hùng nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh, phó chủ tịch Hội Giày da TP.HCM, cho biết tỉ giá USD hạ nhiệt trước mắt giúp nhiều doanh nghiệp đỡ áp lực hơn trong khâu nhập khẩu nguyên liệu, bởi hiện nay khoảng hơn 75% nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất giày da, may mặc phải nhập, thậm chí nhiều sản phẩm phải nhập 85 - 95%.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu quần áo cho biết dù tỉ giá hiện chỉ hạ nhiệt được khoảng trên 400 đồng/USD so với thời điểm tỉ giá lên cao trước đó, nhưng cũng có thể giúp đơn vị tiết kiệm được vài trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ giá nhập khẩu nguyên phụ liệu như bông, vải sợi, mực, bao bì... tốt hơn.
Trong khi đó, với phần lớn chỉ xuất khẩu, các doanh nghiệp trong ngành trái cây, rau củ, đặc biệt xuất đi các thị trường giao dịch bằng USD phải chịu ít nhiều thiệt hại khi tỉ giá USD hạ nhiệt.
Ông Trần Hữu Hậu, phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết Việt Nam cần khoảng 3 - 3,3 triệu tấn điều thô mỗi năm để phục vụ nhu cầu sản xuất nhưng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 300.000 tấn, lượng còn lại phải nhập khẩu, trong đó phần lớn từ châu Phi và thanh toán bằng USD.
Do đó, việc tỉ giá USD hạ nhiệt sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu điều thô tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xuất khẩu điều nhân lại chịu tác động tiêu cực.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết với giá trị xuất khẩu hồ tiêu gấp nhiều lần nhập và được thanh toán chủ yếu bằng USD, việc tỉ giá USD giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên doanh nghiệp trong ngành hơn là tích cực.
Xuất siêu hơn 15 tỉ USD
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15-8 đạt 473,33 tỉ USD, tăng gần 17%, tương ứng tăng 68,58 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 244,41 tỉ USD, còn tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đến giữa tháng 8 đạt 229 tỉ USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-8, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 15,49 tỉ USD.
USD tăng nhẹ
Hôm 3-9, giá USD đã hồi phục nhẹ trở lại, bán ra dao động từ 25.010 - 25.040 đồng/USD, còn giá mua vào 24.520 - 24.690 đồng/USD. Tuy nhiên giá mua vào - bán ra đồng USD được các ngân hàng nới rộng hơn, chênh lệch khoảng 450 - 500 đồng/USD thay vì mức 300 - 350 đồng/USD trong mấy ngày trước đó.
Với giá vàng được bình ổn, cán cân thanh toán dương, giải ngân FDI tốt và đồng USD cũng được kỳ vọng giảm giá sau thời gian leo đỉnh... Và đây là những yếu tố, theo các chuyên gia, sẽ giúp tỉ giá dần hạ nhiệt về cuối năm.