Bất chấp giá đắt đỏ, hạt cà phê Việt cực kỳ được ưa chuộng tại một quốc gia châu Phi - nhập khẩu trong 8 tháng đã vượt cả năm 2023
Giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đạt 84.647 tấn với kim ngạch hơn 258 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và giảm 16% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đã mang về cho Việt Nam hơn 2,9 tỷ USD với hơn 1,2 triệu tấn, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu đạt 2.464 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam, Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 145.896 tấn, đạt kim ngạch hơn 323 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, giảm 9% về lượng và giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng gần 13% về sản lượng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Giá xuất khẩu đạt 2.217 USD/tấn, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, một quốc gia châu Phi đang tăng mạnh nhập khẩu hạt cà phê của Việt Nam dù giá tăng vọt. Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu hạt cà phê sang thị trường Algeria trong tháng 8 đạt 3.629 tấn với kim ngạch hơn 8,9 triệu USD, giảm 18% về lượng nhưng tăng nhẹ 3% về trị giá so với tháng 8/2022. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang thị trường này đạt 50.155 tấn với kim ngạch hơn 111 triệu USD, tăng mạnh 72% về lượng và tăng 91% về trị giá so cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2022, xuất khẩu cà phê sang Algeria đạt 42.523 tấn với kim ngạch hơn 85 triệu USD. Như vậy có thể thấy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm đã vượt qua con số của cả năm 2022 cộng lại. Điều này cho thấy cà phê Việt đang ngày càng chinh phục được thị trường này bất chấp giá đắt đỏ.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Còn xét về năng suất trồng, cà phê Việt Nam đứng đầu thế giới khi đạt 2,4 tấn/ha. Trong đó, nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng và đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo các chuyên gia, trong dài hạn, giá cà phê - đặc biệt là cà phê Robusta sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu tiếp tục gia tăng ở các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, mức giá cạnh tranh của cà phê Robusta với cà phê Arabica cũng là lý do sản phẩm này được lựa chọn nhiều hơn.
Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn với kim ngạch 4,2 tỷ USD. Theo các chuyên gia, kỳ vọng này xuất phát từ nhiều căn cứ. Trong đó, diện tích gieo trồng cà phê liên tục tăng trong thời gian qua, năm 2022 tăng 42,9% so với 2005. Sản lượng cà phê năm 2022 đạt 1,897 triệu tấn, tăng 7,5% so với 2020 và tăng 2,8% so với 2021.