A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ba thành viên mới có chung 1 sức mạnh đáng gờm: BRICS như "hổ thêm cánh" khiến Mỹ phải dè chừng

Việc thêm các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, thị trường quốc tế có thể chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và BRICS có thể giành quyền kiểm soát thị trường.

6 thành viên mới

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 24/8 thông báo, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã đồng ý mời 6 quốc gia gồm Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE gia nhập khối.

"Chúng tôi đã quyết định mời Cộng hòa Argentina, Cộng hòa Ả Rập Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Vương quốc Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE trở thành thành viên chính thức của BRICS. Tư cách thành viên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024" , ông Ramaphosa phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg.

Trong một thông điệp video, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng các thành viên mới của BRICS, đồng thời nói thêm rằng ảnh hưởng toàn cầu của khối sẽ tiếp tục gia tăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi sự mở rộng của khối là "lịch sử", phản ánh quyết tâm "đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển".

"[Nó sẽ] tạo động lực mới cho cơ chế hợp tác BRICS và tăng cường hơn nữa sức mạnh của hòa bình và phát triển thế giới ", ông nói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng hoan nghênh việc mở rộng, cho biết đất nước ông luôn tin rằng việc bổ sung thêm thành viên mới sẽ củng cố khối.

Ba thành viên mới có chung 1 sức mạnh đáng gờm: BRICS như "hổ thêm cánh" khiến Mỹ phải dè chừng - Ảnh 1.

BRICS sẽ kết nạp thêm những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters

Sức mạnh đáng gờm

Theo AP, có một điểm đáng chú ý là, trong số 6 thành viên mới gia nhập BRICS thì có đến 3 thành viên là những "gã khổng lồ" sản xuất dầu mỏ gồm Ả Rập Saudi, UAE và Iran.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, Ả Rập Saudi là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới vào năm 2022, trong khi UAE và Iran lần lượt xếp ở vị trí thứ sáu và thứ chín. Cùng với Nga, nước đứng thứ ba về sản lượng dầu toàn cầu, BRICS đã có được 4 trong số 10 nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới .

Đặc biệt, theo CNN, nếu Ả Rập Saudi chấp nhận lời mời, như vậy nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất nhì thế giới sẽ ở cùng khối kinh tế với nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Điều đó cũng có nghĩa là Nga và Ả Rập Saudi, đều là thành viên của OPEC+, sẽ cùng nhau thành lập một khối kinh tế mới. Hai nước thường xuyên điều phối sản lượng dầu của mình, điều trước đây đã khiến Ả Rập Saudi xung đột với đồng minh Mỹ.

Dầu thô vốn đã và đang đóng một vai trò quan trọng và là mặt hàng hàng đầu có nhu cầu cao trong nhiều thập kỷ. Với việc bổ sung các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu, thị trường quốc tế có thể chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và BRICS có thể giành quyền kiểm soát thị trường.

Sự mở rộng của BRICS cũng đặt ra câu hỏi về khả năng phi đô la hóa tiềm năng, một quá trình trong đó các thành viên sẽ dần dần chuyển sang sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ để tiến hành thương mại.

Có ý kiến cho rằng, nếu thị trường dầu mỏ sử dụng đồng tiền khác thay đồng đô la thì đồng đô la sẽ mất đi sự hùng mạnh vốn có và tạo ra sự hỗn loạn trong nền kinh tế Mỹ. Mỹ sẽ không có phương tiện để hỗ trợ cho thâm hụt của mình và một số lĩnh vực tài chính có thể bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, AP nhận định, sự mở rộng của BRICS dường như cũng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư.

Trung Quốc gần đây đã thúc đẩy sự hiện diện nhiều hơn ở vùng Vịnh và tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với cả ba quốc gia, đặc biệt là Iran, nguồn cung dầu cho Bắc Kinh; trong khi Ả Rập Saudi và UAE vẫn duy trì quan hệ với Nga bất chấp xung đột Ukaine.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo