Thị trường năng lượng cạnh tranh tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế
Ngày 6-12, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Để chương trình diễn ra thành công tốt đẹp, Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình.
Toàn cảnh Diễn đàn
Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2233/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thảo luận về thách thức, cơ hội của ngành năng lượng và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Diễn đàn cũng nêu nhiều “điểm nghẽn” trong đảm bảo an ninh năng lượng hiện nay, đó là: nhu cầu năng lượng tăng cao đang gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước còn hạn chế, dẫn đến phụ thuộc ngày càng tăng nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Việc trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia. Dự báo, từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.
Trong khi đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Khung khổ pháp lý còn thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần phải đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay và gắn với điều kiện thực tế của Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để có hệ thống giải pháp đồng bộ mang tính đột phá.
Các đại biểu trình bày tham luận sôi nổi tại Diễn đàn
Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PGS-TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho rằng, vấn đề quy hoạch cần phải làm một cách chất lượng. Theo đó, các bộ quản lý ngành phải gắn trách nhiệm vào tính khả thi của các quy hoạch năng lượng, chấm dứt tình trạng lập quy hoạch chỉ để “cấp phép”, quản lý quy hoạch theo kiểu “hòa cả làng”.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo, quy hoạch lại mạng lưới điện gió để phát triển trọng điểm, hiệu quả hơn, tránh tình trạng dàn trải, ồ ạt đầu tư nhưng lại không phát huy hết công suất.
Đồng thời, nền kinh tế cần được cơ cấu lại theo hướng vào những ngành có mức sử dụng năng lượng thấp, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.