Tăng cường giám sát giá cả, chất lượng hàng hóa sau bão số 3 (Yagi)
Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân ở nhiều huyện, thành phố của các tỉnh, thành phía Bắc. Thị trường hàng hóa thiết yếu cũng bị ảnh hưởng không ít từ việc khan hiếm hàng hóa...
Ngăn chặn các hành vi trục lợi bất hợp pháp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Chiều ngày 17/9, dạo 1 vòng tại các chợ dân sinh khu vực Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, lượng người mua, người bán đã dần trở lại không khí tấp nập như trước cơn bão số 3 đi qua. Các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống khá dồi dào, giá cả các mặt hàng thiết yếu hầu như tăng lên cao hơn trước khi cơn bão số 3 đi qua gấp 2, thậm chí gấp 3 lần như rau muống, rau ngót, rau cả… Các mặt hàng khác như: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá và các loại đồ khô (gạo, đậu, bún, miến…) giá bình ổn.
Chị Hoàng Mai Chi, chủ cửa hàng tạp hóa tại phố Kẻ Vẽ, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: "Trước cơn bão số 3 và tình hình mưa lớn, một số người dân có tâm lý dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Cửa hàng đã chủ động nhập thêm hàng từ nhà phân phối để phục vụ nhân dân. Chỉ trước 1 ngày bão về, hàng nhập không kịp để bán nên có tình trạng cháy hàng. Sau đó cửa hàng đã nhập về đủ số lượng bảo đảm phục vụ bà con. Về giá cả, cửa hàng thực hiện đúng như đã cam kết với các ngành chức năng trước mùa mưa bão năm nay, đó là luôn đảm bảo bình ổn giá cả các mặt hàng…".
Để ổn định thị trường, đặc biệt là kiểm soát được chất lượng hàng hóa, giá cả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có nhiều công điện gửi UBND các tỉnh, Tổng Cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý (đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và các loại vật tư, sinh phẩm, giống cây trồng, vật nuôi…), phục vụ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân sau bão.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác (ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ miền Trung và miền Nam) khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu, chú trọng hàng hóa cho nhu cầu học tập của học sinh, chữa bệnh của bệnh nhân, cho nhóm người yếu thế trong xã hội tại các địa phương chịu tác động nặng nề của mưa, lũ.
Chỉ đạo toàn bộ lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm phối hợp cùng Vụ Thị trường trong nước trong việc rà soát các nguồn cung nông sản, đảm bảo việc cân đối hài hòa giữa đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của nước ta, có ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ các loại nông sản từ các địa phương miền Bắc sắp đến kỳ thu hoạch.
Các doanh nghiệp phân phối, rà soát, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh phía Bắc, ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ, ngập lụt, chia cắt cục bộ bằng biện pháp và phương tiện phù hợp, đảm bảo an toàn…
Mặt hàng rau xanh tại các chợ dân sinh, truyền thống tăng, trong khi các siêu thị, trung tâm thương mại bình ổn. Ảnh: LP |
Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý địa bàn, nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, găm hàng tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp, đảm bảo ổn định giá cả, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
“Việc tăng cường giám sát và kiểm tra thị trường không chỉ nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi trục lợi bất hợp pháp mà còn để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh thiên tai gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu với giá cả ổn định là trách nhiệm quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau bão”, đại diện lãnh đạo Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết.
Các hành vi vi phạm pháp luật về giá sẽ được xử lý nghiêm theo quy định
Cùng với Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công điện gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3, góp phần vào kiểm soát lạm phát, cũng như đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình, bão số 3 đã tác động và gây hậu quả lớn, nhất là hoàn lưu bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và giao thông vận tải, khiến hoạt động cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm bị gián đoạn. Thậm chí, ở nhiều thời điểm, tại một số địa bàn đã xảy ra việc khan hiếm một số mặt hàng thiết yếu, nhất là rau củ, quả, thực phẩm, nước uống... nên giá cả đã tăng so với bình thường.
Đến nay, tại các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại của bão và lũ lụt, nguồn cung hàng hóa đã lưu thông trở lại, mức giá cục bộ còn cao ở một số nơi, song dự báo sẽ sớm trở lại bình thường trong những ngày tới nhờ các giải pháp điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành về tăng cường nguồn cung. Lực lượng chức năng tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, TP Hải Phòng đã nhanh chóng nắm bắt diễn biến giá cả thị trường và tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá.
Ông Bình cho biết, tại công điện gửi các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị tăng cường chủ động cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý; tập trung giám sát chặt chẽ việc kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin, minh bạch giá cả hàng hóa.
Đặc biệt là tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chủ động nghiên cứu, nắm bắt và theo dõi diễn biến cung cầu và giá cả hàng hóa, dịch vụ để phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp phù hợp với từng bối cảnh, từng mặt hàng và từng thời điểm cụ thể.
Đối với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu chỉ đạo các cục dự trữ nhà nước khu vực bố trí lực lượng 24/24h; tổ chức xuất cấp gạo, các phương tiện, vật tư cứu nạn, cứu hộ… kịp thời từ các kho dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Cũng theo ông Bình, các hành vi vi phạm pháp luật về giá sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.