Tác động của thị trường tài chính toàn cầu đến chứng khoán Việt Nam không lớn
Theo Dragon Capital, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu có biến động trong thời gian gần đây nhưng các tác động tới thị trường Việt Nam sẽ không lớn và chỉ mang tính chất tạm thời.
Với xu hướng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu, Việt Nam có nhiều cơ hội để duy trì các chính sách hỗ trợ và tập trung vào tăng trưởng.
Báo cáo mới đây của Dragon Capital cho biết, kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Động lực tăng trưởng từ phía cung của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện tích cực.
Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ duy trì đà tăng trưởng tốt với mức tăng 11% so với cùng kỳ trong tháng 7. Tính trong 7 tháng đầu năm, mức tăng đạt 8,5%.
Bên cạnh đó sản xuất và công nghiệp chế biến tăng 9,5%. Chỉ số PMI tháng 7 đạt 54,7 điểm, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp trên mốc 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục được cải thiện.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng ở phía cầu cũng có sự phục hồi tích cực. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 7 tháng đầu năm vượt mốc 18 tỷ USD, trong khi FDI giải ngân đạt xấp xỉ 12,6 tỷ USD.
Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so với cùng kỳ tăng 9% trong tháng 7 và tăng gần 9% luỹ kế 7 tháng.
Chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,5% so với tháng trước, tương ứng mức tăng 4,4% so với cùng kỳ, nguyên nhân đến từ nền so sánh thấp của năm trước, mức lương cơ sở tăng và việc điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ; đặc biệt là chi phí bảo hiểm y tế.
Tính tròn 7 tháng đầu năm, chỉ số CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ, nằm trong khoảng mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Ở những tháng còn lại của năm 2024, lạm phát được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm nhẹ do không còn hiệu ứng nền thấp của năm trước, trung bình lạm phát cả năm dự kiến đạt khoảng 4,0% và vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát.
Về chính sách tiền tệ, kể từ đầu năm 2023, Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, có một số đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá và lạm phát.
Trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt, phản ánh kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong các kỳ họp tới, cùng với việc lạm phát trong nước được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được kỳ vọng vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới nếu áp lực tỷ giá hạ nhiệt và lạm phát được kiểm soát.
Về thị trường chứng khoán, theo Dragon Capital, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu có biến động trong thời gian gần đây, các tác động tới Việt Nam sẽ không lớn và chỉ mang tính chất tạm thời.
Chỉ số P/E và P/B dự phóng của VN-Index thấp hơn một độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm, cho thấy định giá hấp dẫn.
Với xu hướng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu, Việt Nam có nhiều cơ hội để duy trì các chính sách hỗ trợ và tập trung vào tăng trưởng. Nhóm phân tích duy trì dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 ở mức 16-18%.
Trong báo cáo trước đó, thông tư sửa đổi quy định ký quỹ trước giao dịch ngoài việc đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường còn tái khẳng định quyết tâm của chính phủ trong nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025.
Mặc dù áp lực bán ròng của khối ngoại thời gian qua lớn, song thị trường vẫn duy trì sự ổn định. Trong bối cảnh dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang hấp thu và cân bằng lực bán của nhà đầu tư nước ngoài, Dragon Capital cho rằng thị trường có thể tiếp tục giằng co và nhiều biến động.