Quỹ mở "vượt sóng" nửa đầu 2025, lợi nhuận lên tới 11%
Thị trường chứng khoán biến động mạnh nhưng các quỹ mở vẫn thể hiện sức bật tích cực. Nhiều quỹ mở mới đạt lợi nhuận tới lợi nhuận lên tới 10,9% nhờ chiến lược linh hoạt và tận dụng chu kỳ phục hồi.
Từ “cú sốc” đến cơ hội
Theo dữ liệu từ Fmarket - nền tảng tập trung nhiều quỹ mở nhất tại Việt Nam, hiệu suất các quỹ đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2025 diễn biến song hành cùng nhịp tăng, giảm của thị trường chứng khoán.
Bất chấp cú sốc thuế quan trong tháng 4 khiến VN-Index có lúc giảm sâu về 1.073 điểm, thị trường đã nhanh chóng hồi phục và kết thúc quý II tại 1.376,07 điểm, mức cao nhất trong hơn 3 năm qua. Tính chung, VN-Index tăng hơn 109 điểm, tương đương 8,6%.
Nguồn: Fmarket
Diễn biến thăng trầm của chỉ số cũng phản ánh vào hiệu suất các quỹ mở. Các quỹ từng dẫn đầu hiệu suất năm 2024 lại có dấu hiệu bị chững lại trong nửa đầu 2025, chủ yếu do nhóm cổ phiếu chủ đạo trong danh mục, đặc biệt là công nghệ và ngân hàng đã trải qua chu kỳ tăng trưởng mạnh.
Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE - vốn không được ưu tiên tỷ trọng cao trong danh mục quỹ mở lại trở thành lực kéo chính giúp thị trường hồi phục.
Trước bối cảnh nhiều thách thức, các quỹ đã thể hiện sự chuyên nghiệp và chủ động trong chiến lược quản trị rủi ro. Những quỹ có chiến lược linh hoạt đã tận dụng nhịp phục hồi để bứt phá với lợi nhuận vượt 20% sau biến động, trong đó quỹ DCDS ghi nhận mức sinh lời gần 30% chỉ chưa đầy 3 tháng.
Tổng kết 6 tháng đầu năm, bảng xếp hạng hiệu suất cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các quỹ mở mới, trong đó hai quỹ cổ phiếu cùng do MB Capital quản lý lần lượt giữ vị trí dẫn đầu với mức lợi nhuận lên tới gần 10,9% và 9,7%. Hai quỹ còn lại là BVFED của Bảo Việt Fund với 8,47% và DCDS của Dragon Capital với 8,12% trong nửa đầu năm.
Quỹ trái phiếu và cân bằng giữ vai trò phòng thủ, hiệu suất ổn định
Trong khi nhóm quỹ cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ biến động thị trường, các quỹ trái phiếu tiếp tục phát huy vai trò phòng thủ. Nhiều quỹ ghi nhận lợi suất 12 tháng vượt 6,4%, như VNDBF, VINACAPITAL-VFF, BVBF và DCBF.
Một số quỹ trái phiếu có phân bổ một phần vào cổ phiếu, chẳng hạn LHBF, đạt hiệu suất lên tới 11,7%, cao hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm.
Nguồn: Fmarket
Các quỹ cân bằng cũng duy trì hiệu quả ổn định nhờ cơ cấu phân bổ đa dạng. Quỹ VINACAPITAL-VIBF dẫn đầu nhóm với mức sinh lời 3,34% trong 6 tháng, trong khi rủi ro từ thị trường cổ phiếu được kiểm soát tốt nhờ dòng thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp chất lượng cao.
Đáng chú ý, các quỹ trái phiếu thanh khoản (MMF) đang nổi lên như kênh “gửi tạm” hiệu quả cho dòng tiền trong giai đoạn chờ đợi cơ hội mới. Với ưu điểm về tính thanh khoản cao và khả năng sinh lời theo thời gian nắm giữ, các quỹ như MBAM (3,22%), ABBF (3%), DCIP (2,67%) hay SSIBF (2,59%) duy trì hiệu suất ổn định trong nửa đầu năm.
Bước sang nửa cuối 2025, giới chuyên môn kỳ vọng thị trường sẽ được hỗ trợ bởi môi trường thanh khoản thuận lợi, chính sách tiền tệ nới lỏng, kỳ vọng nâng hạng thị trường và cải cách cơ cấu qua chương trình “Đổi Mới 2.0” với vai trò trung tâm của khu vực tư nhân.
Dữ liệu 5 năm từ Fmarket cũng cho thấy sức hấp dẫn bền vững của các quỹ mở. Tính đến 30/6/2025, quỹ VINACAPITAL-VESAF đạt mức sinh lời trung bình 22,9%/năm, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trung bình 10,8%/năm của VN-Index. Các quỹ SSI-SCA (19,9%/năm), DCDS (19,2%), VINACAPITAL-VEOF (19%) hay VCBF-BCF (17,8%) đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, quỹ mở tiếp tục được kỳ vọng sẽ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phân bổ tài sản của nhà đầu tư, không chỉ vì hiệu suất dài hạn, mà còn nhờ khả năng cân bằng giữa sinh lời và quản trị rủi ro trong môi trường kinh tế nhiều biến động.