A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quảng Ninh: Thương mại điện tử “cầu nối” cho xuất nhập khẩu

Hướng tới đưa thương mại điện tử (TMĐT) trở thành "cầu nối" để phát triển sản phẩm ra thị trường nước ngoài, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện.

Cầu nối…

Thương mại điện tử ( TMĐT ) đang dần trở thành xu thế tất yếu trong giao dịch, giao thương hàng hóa. Để tận dụng được hết lợi ích từ TMĐT, không chỉ ở thị trường trong nước mà có thể vươn ra thị trường nước ngoài, từng bước giúp doanh nghiệp mở rộng giao thương “chắp cánh” cho xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Cụ thể, năm 2021, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5%. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đánh giá việc sử dụng các ứng dụng TMĐT phục vụ mục đích xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả.

Trước khó khăn chung, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này dự kiến sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và những động lực tăng trưởng mới.

Hướng tới đưa TMĐT trở thành "cầu nối" để phát triển sản phẩm, đưa thương hiệu của tỉnh ra thị trường nước ngoài, nhiều hoạt động xúc tiến, tập huấn TMĐT cho doanh nghiệp đã được tổ chức, thu hút được đông đảo doanh nghiệp tham gia. Vừa qua, Sở Công thương Quảng Ninh phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động TMĐT tại Quảng Ninh. Đây được coi là hoạt động thiết thực, phù hợp với xu thế TMĐT để giúp cho doanh nghiệp tự tin mở rộng thị trường.

Quảng Ninh: Thương mại điện tử “cầu nối” cho xuất nhập khẩu - Ảnh 1.

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ giới thiệu các dịch vụ, tiện ích thanh toán cho sàn thương mại điện tử nhân dịp giới thiệu, kết nối thương mại điện tử sản phẩm OCOP, tháng 4/2022

Đưa sản phẩm vươn xa

Theo ông Lê Đức Anh, đại diện Công ty TNHH TMDV và XNK Quy Hoa, chia sẻ: Thời gian vừa qua doanh nghiệp được hướng dẫn, hỗ trợ phát triển TMĐT. Nhờ đó sản phẩm trà hoa vàng của công ty được khách tham quan, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã ngỏ lời hợp tác. Với mong muốn thông qua TMĐT để đưa sản phẩm vươn xa hơn tới thị trường nước ngoài, chúng tôi tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng, bao bì sản phẩm trà hoa vàng, để ngày càng được hoàn thiện hơn. Đồng thời, sẽ chuyển sang bao bì sản phẩm được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đáp ứng những yêu cầu khi xuất khẩu.

Tương tự, bà Cao Hồng Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV New Star, cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ quan tâm rất sâu sắc từ chính quyền địa phương đến Trung ương, giúp đơn vị kinh doanh tốt hơn trên các sàn TMĐT. Qua đó, các sản phẩm của New Star như nước mắm sá sùng, muối tôm sá sùng... đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và bước đầu đã có khách hàng quốc tế quan tâm, tìm hiểu sản phẩm .

Quảng Ninh: Thương mại điện tử “cầu nối” cho xuất nhập khẩu - Ảnh 2.

Mở rộng thị trường qua TMĐT, nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn, có tiềm năng.

Với việc phát huy lợi thế sẵn có và nỗ lực trong việc kết nối doanh nghiệp mở rộng thị trường qua TMĐT, nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn, có tiềm năng. Điển hình như các sản phẩm nến, nước mắm, thủy sản... sang các thị trường Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh Quốc, Australia, Nga, Malaysia; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác xuất khẩu sản phẩm miến dong Bình Liêu, thủy sản, sản phẩm OCOP,... sang thị trường Trung Quốc; sản phẩm dầu ăn của Công ty TNHH Dầu thực vật xuất sang thị trường Nhật Bản...

Với sự hỗ trợ tích cực từ TMĐT, việc xuất khẩu các mặt hàng, đặc biệt là các nông sản chủ lực của tỉnh ra thị trường nước ngoài ngày càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để hàng hóa của tỉnh vươn xa tới thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp trước tiên cũng cần phải đầu tư về bao bì, chất lượng và đảm bảo các yếu tố truy xuất nguồn gốc sản phẩm..., đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Quảng Ninh cho biết: Xuất khẩu qua TMĐT ra nước ngoài có rất nhiều hình thức và tại mỗi thị trường thì lại có những yêu cầu khác nhau về tính năng sản phẩm. Chính vì vậy để có thể triển khai được TMĐT xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài một cách hiệu quả, thì còn nhiều vấn đề cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng như: các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là phải có sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp, trực tiếp là những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên chủ động những chương trình hợp tác với các đối tác là các sàn TMĐT lớn, uy tín trên thế giới để giới thiệu hàng hóa đến với người tiêu dùng nước ngoài.

Quảng Ninh: Thương mại điện tử “cầu nối” cho xuất nhập khẩu - Ảnh 3.

Cán bộ Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương vận hành thí điểm Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 (ảnh báo QN)

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số ( Bộ Công Thương ) cho biết: Vừa qua, Cục tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng TMĐT phát triển bán lẻ trực tuyến trong thời đại công nghệ 4.0; làm cầu nối giúp cho các sản phẩm tiêu biểu của Quảng Ninh được tham gia vào gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên sàn TMĐT Alibaba.com, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế. Kỳ vọng, thời gian tới, TMĐT sẽ là hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến tại Quảng Ninh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, đồng thời, giúp Quảng Ninh xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh, vươn xa hơn tới thị trường quốc tế và phát triển bền vững.


Tác giả: Theo Minh Huệ - Hải Ngân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo