Ninh Thuận: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá
Xác định ngành Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Thuận, vậy nên việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Kho tàng di sản văn hoá phong phú
Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích, di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm các loại hình: đình làng; chùa; miếu; nhà thờ; lăng (lăng thờ cá Voi/cá Ông); tháp Chăm, thánh đường; đền thờ của người Chăm; phế tích và bia ký Chăm; di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh... Có 66 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp, cụ thể: có 02 di tích quốc gia đặc biệt (Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai), 18 di sản cấp quốc gia, (trong đó 13 di tích cấp quốc gia và 05 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) và 46 di tích, di sản văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, bao gồm di tích lịch sử cách mạng, đình, đền, lăng miếu.
Ngày 05/12/2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ninh Thuận vinh dự nằm trong danh sách 21 tỉnh thành được công nhận danh hiệu này. Ngoài ra, năm 2018, được sự thống nhất chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, tổ chức UNESCO đang xem xét hồ sơ để tiến hành các bước tiếp theo theo quy định.
Nhiều di tích mang tính lịch sử, thể hiện rõ nét văn hoá dân tộc như Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome, tất cả mang nét kiến trúc độc đáo, thuộc loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm tại Việt Nam... Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận cũng đã lồng ghép các chương trình lễ hội gắn với di tích như Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn; Lễ hội cầu ngư của ngư dân; Têt cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni... Việc lồng ghép này đã mang lại hiệu quả không nhỏ trong sự thúc đẩy phát triển du lịch tại đây. Trước những điệu múa uyển chuyển, đẹp mắt của các cô gái Chăm theo nhịp trống Ginơng, trống Baranưng, kèn Xaranai tại lễ hội Katê đã làm cho biết bao du khách hào hứng khi đến và lưu luyến khi rời Ninh Thuận.
Ngoài ra, các làng nghề truyền thống cũng được đưa vào các Tour du lịch, khai thác du lịch một cách hiệu quả tại các làng nghề như làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Tại đây du khách có cơ hội tìm hiểu về nét văn hoá dân tộc, mua sắm các sản phẩm truyền thống...
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá là nhiệm vụ cấp bách
Với những thuận lợi có sẵn, việc phát triển du lịch được tỉnh nhà chú trọng. Tuy nhiên để bền vững và hiệu quả, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá cũng là nhiệm vụ cần thiết, mang tính song song.
Ngày 15 tháng 6 năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như: Tiếp tục nâng cao vai trò quản lý, định hướng của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia bảo tồn làng nghề, đồng thời có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ trách nhiệm của ngành Văn hóa mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp Nhân dân. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư khai thác về tiềm năng vật lực và tài lực trong xã hội, tham gia bảo tồn di sản văn hóa theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm; Có biện pháp giúp đồng bào bảo tồn các di sản văn hóa, bảo tồn phát huy nghề và làng nghề truyền thống. Lựa chọn một số làng, xã tiêu biểu có giao thông thuận lợi, kết hợp phong cảnh thiên nhiên và ngành nghề thủ công truyền thống tiêu biểu để lập dự án bảo tồn, phát huy du lịch sinh thái gắn kết văn hóa cộng đồng...
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thanh Hường – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, việc bảo tồn phát huy những giá trị văn hoá, di sản được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Việc triển khai các hoạt động bảo tồn, trùng tu bước đầu đã đạt được hiệu quả thiết thực như từ năm 1992 đến nay thì đã có 12/13 di tích cấp quốc gia của tỉnh Ninh Thuận đều đã được quan tâm đầu tư chống xuống cấp bằng Chương trình Mục tiêu quốc gia về Văn hóa. Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận trùng tu, tôn tạo Di tích Đình Văn Sơn – phường Văn Hải (03 kỳ) với tổng số tiền là hơn 3 tỷ đồng (nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia). Năm 2019: Trùng tu, tôn tạo 03 di tích (Đình Nhơn Sơn, Miếu Xóm Bánh, Lăng Ông Hải Chữ) với tổng số tiền là gần 1,5 tỷ đồng... Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương còn có sự giúp sức của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua việc xã hội hoá...
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác bảo tồn di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như đối với loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật như đình, miếu có một số hạng mục cấu tạo từ gỗ như hệ thống cột cái, vì kèo, giàn mái... qua thời gian sử dụng và tác động của môi trường, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai lũ lụt, mối mọt xâm hại nên một số di tích đã được trùng tu tiếp tục bị xuống cấp, phát sinh hư hỏng ở nhiều hạng mục khác của công trình như đình Thuận Hòa, đình Tri Thủy, đình Đắc Nhơn, đình Tấn Lộc... bị mục ruỗng, thấm dột, ảnh hưởng đến nội thất bên trong các di tích. Một số di tích khác xuống cấp ở hạng mục vách, tường bao bị sủi, bong tróc...
Việc huy động, bố trí nguồn vốn cho công tác trùng tu di tích còn nhiều hạn chế. Một số di tích quốc gia đã được trùng tu thời gian qua chủ yếu từ nguồn vốn mục tiêu về văn hóa, do Trung ương bố trí nhưng số lượng không nhiều (đã thực hiện cho đình Văn Sơn, Vạn Phước, Tri Thủy...)
Để đảm bảo có thể kịp thời sửa chữa, chống xuống cấp các di tích, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan cân đối, dự trù kinh phí hàng năm, ưu tiên những di tích, hạng mục xuống cấp nghiêm trọng để triển khai thực hiện trước. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của các địa phương về quản lý và bảo vệ di tích thông qua việc thực hiện Quyết định 507/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phân cấp trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh; Di sản văn hóa phi vật thể trên địa tỉnh Ninh Thuận nhằm huy động nguồn vốn địa phương và xã hội hóa từ nhân dân…
Thế Hùng