Nghệ An: Cắt giảm, tiết kiệm được hơn 550 tỷ đồng trong lĩnh vực đầu tư
Nhằm chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm 2025, tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng ý thức, văn hóa tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.
Theo đó, Nghệ An sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiêm túc trong sử dụng ngân sách và tài sản công.
Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ quán triệt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ chủ trương, từ việc xây dựng đề án, cơ chế, chính sách sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Các địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thực hiện Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Kết quả của phong trào này cũng là tiêu chí, nội dung quan trọng đánh giá, bình xét thi đua đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản; xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình.
Năm 2024, Nghệ An đã cắt giảm, tiết kiệm được hơn 550 tỷ đồng trong lĩnh vực đầu tư. Việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cũng đã cắt giảm gần 568 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Một số nguồn vốn, chủ đầu tư giải ngân vẫn còn chậm. Việc thực hiện kiểm tra, tự phát hiện việc lãng phí của chủ đầu tư chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Kết quả thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các công trình, dự án đạt tỷ lệ thấp; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên khoáng sản; ý thức trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa tốt; tiến độ thu hồi các tài khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm còn chậm./.
Trịnh Duy Hưng