Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất
Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi trên thị trường, động thái của nhóm Big4 nhiều khả năng sẽ kéo giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống sâu hơn trong thời gian tới.
Theo đó, nhóm Big4 đã đồng loạt giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 6,3%/năm, dành cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Với các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, mức lãi suất áp dụng chỉ còn 5% đối với hình thức gửi tiền tại quầy trong khi gửi tiền trực tuyến được hưởng lãi suất cao hơn 0,1 – 0,2 điểm %. Các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ còn được hưởng lãi suất 3,4 – 4,1% theo hình thức gửi tiền tại quầy, và được cộng 0,1 – 0,2 điểm % khi gửi tiền online.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi trên thị trường, động thái của nhóm Big4 nhiều khả năng sẽ kéo giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống sâu hơn trong thời gian tới.
Thực tế, sau đợt giảm đồng loạt khi NHNN thông báo giảm lãi suất điều hành, một số ngân hàng tư nhân nhỏ vừa tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động lần thứ hai trong chưa đầy một tuần qua.
Từ ngày 21/6, GPBank - một trong những ngân hàng có biểu lãi suất huy động cao nhất hệ thống - đã đồng loạt giảm 0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng chỉ còn 8,1%/năm cho các khoản tiền gửi online từ 13 tháng trở lên. Trước đó, GPBank đã giảm 0,25 điểm % các kỳ hạn dưới 6 tháng từ ngày 19/6.
Cũng từ ngày 21/6, NCB giảm thêm 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức cao nhất về còn 7,6% (áp dụng cho kỳ hạn 12 – 13 tháng). Đây là đợt điều chỉnh thứ hai trong chưa đầy 1 tuần qua của NCB. Trước đó, ngân hàng này đã giảm 0,25 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,1 điểm % kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Từ ngày 20/6, VIB cũng giảm thêm 0,2 - 0,3 điểm % tại kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Qua đó, đưa mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về còn 7,1%/năm.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết tại 34 ngân hàng trong nước sáng nay, lãi suất cao nhất đang được áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng là 8,3%/năm, do ABBank niêm yết.
Ngoài ABBank, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất huy động trên 8% cho kỳ 12 tháng. Tại các ngân hàng tư nhân nhỏ, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng dao động trong khoảng 7,5 – 8%/năm.
Ở các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, Sacombank, ACB, VPBank, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng hiện vào khoảng 6,9 – 7,2%/năm. Trong khi nhóm Big4 có cùng mức lãi suất 6,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân của giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại hiện ở mức 5,7%/năm, giảm khoảng 0,7%/năm so với năm 2022.
Lãi suất cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 8,9%/năm, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
"Với tác động của độ trễ chính sách, dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên các lý do sau: nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.
Tại báo cáo chiến lược tháng 6 vừa công bố, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng cho rằng hiện mặt bằng chung lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã rơi xuống mức dưới 8%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay bằng cách sử dụng hạn mức tín dụng để quản lý. Do đó, lãi suất đang tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên, lãi suất cho vay có độ trễ giảm theo do tăng trưởng tín dụng đang khá chậm.