Một cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại gom mạnh, mua ròng 17 phiên liên tiếp
Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng niêm yết có mức tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay, nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư bởi hàng loạt thông tin tích cực như chia cổ tức, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài,…
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam khá tích cực khi VNIndex ghi nhận tăng 15,23 điểm lên 1.222,90. Nhóm ngân hàng càng về cuối phiên càng tăng mạnh, ghi nhận hàng loạt mã đóng cửa trong sắc xanh.
Về động thái khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài có hành động trái chiều khi bán ròng khá nhiều mã như VPB, VCB, OCB, SSB, TPB,…nhưng mặt khác mua ròng các mã MSB, SHB, STB, CTG,…Trong đó theo phương thức khớp lệnh, SHB được mua ròng nhiều nhất với gần 1.2 triệu đơn vị, giá trị gần 12 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây là phiên mua ròng thứ 17 liên tiếp của khối ngoại đối với SHB, trái với động thái thận trọng, liên tục bán ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng. Trong vòng 17 phiên qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 10,6 triệu cổ phiếu SHB, tương đương giá trị hơn 144 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại đã nâng sở hữu tại SHB lên gần 205 triệu cổ phiếu, chiếm gần 6,7% số cổ phiếu đang lưu hành.
Cổ phiếu SHB cũng có diễn biến khá tích cực trong thời gian gần đây với giá tăng mạnh và thanh khoản dẫn đầu ngành. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/7, cổ phiếu SHB ở mức 12.600 đồng/cp, tăng 19% so với cuối tháng 6 và tăng gần 50% so với hồi đầu năm. Với mức tăng gấp rưỡi trong 7 tháng qua, SHB là cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng giá mạnh nhất. Thanh khoản SHB đạt bình quân 280 tỷ đồng/phiên trong tháng 7. Vốn hóa tăng lên hơn 38.600 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,6 tỷ USD.
Trên thực tế, SHB là tâm điểm của dòng tiền những tháng gần đây khi xuất hiện hàng loạt thông tin tốt hỗ trợ xung quanh cổ phiếu này. Từ cuối tháng 6, nhiều tổ chức phân tích đã dự báo SHB sẽ lọt vào rổ chỉ số VN30. Đến ngày 17/7, Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã công bố thay đổi thành phần các rổ chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2023, trong đó, , SHB chính thức lọt chỉ số này và có hiệu lực từ 7/8/2023 – 02/02/2024. Được biết, để được vào sổ VN30, cổ phiếu phải đáp ứng các tiêu chí quan trọng như vốn hóa tỷ lệ free-float (chuyển nhượng tự do), tính thanh khoản, cùng các yếu tố khác liên quan đến sự ổn định, vững mạnh của tổ chức. Vì vậy, việc vào rổ VN30 cũng giúp cổ phiếu đó được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn.
Cổ đông SHB cũng đón tin vui khi vừa qua ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/7 để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 với tỷ lệ 18%. Theo đó, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 18 cổ phiếu mới. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng, đứng TOP 5 trong các ngân hàng tư nhân.
Một thương vụ của SHB cũng đang được thị trường mong chờ là kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 6/7, Reuter đưa tin, SHB đang đàm phán bán tới 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với định giá ngân hàng có thể mức 2-2,2 tỷ USD. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này. Thỏa thuận này có thể sẽ được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024.
Mới đây, SHB cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với những kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng là mức lợi nhuận bán niên cao nhất từ trước đến nay của SHB. Theo đó, SHB đứng trong Top 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có kết quả lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm nay.
Các chỉ số về an toàn, thanh khoản, quản trị rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ngân hàng đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ công bố kết quả trong quý 3 này.