Apple lấn sân ngân hàng: Cung cấp tài khoản tiết kiệm, trả lãi suất cao gấp 10 lần ngân hàng truyền thống
Hôm qua, Apple phối hợp với Goldman Sachs thông báo ra mắt loại tài khoản tiết kiệm mới trả lãi tới 4,15%/năm.
Theo Financial Times đưa tin, 3 tập đoàn tài chính lớn tại Mỹ là Charles Schwab, State Street và M&T đã bị rút tổng cộng 60 tỷ USD tiền gửi trong quý I do khách hàng đi tìm kiếm nơi chi trả mức lợi suất cao hơn.
Làn sóng rút tiền càng mạnh hơn sau sự kiện Silicon Valley Bank và 2 ngân hàng khác sụp đổ sau khi tiền bị rút ồ ạt ra khỏi các tài khoản ngân hàng ở tốc độ nhanh chưa từng thấy sau khủng hoảng tài chính 2008.
Trong khi đó một “mối nguy” mới toanh vừa xuất hiện, đe dọa các ngân hàng truyền thống. Hôm qua, Apple phối hợp với Goldman Sachs thông báo ra mắt loại tài khoản tiết kiệm mới trả lãi tới 4,15%/năm – thuộc hàng cao nhất trên thị trường hiện nay và cao gấp 10 lần so với trung bình. Theo dữ liệu chính thức, trung bình lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ hiện chỉ ở mức 0,37%.
So với các đối thủ khác trong cùng phân khúc, đây cũng là mức hấp dẫn. American Express đang trả mức lãi 3,75%, còn sản phẩm tiết kiệm của riêng Goldman (dưới thương hiệu Marcus) có mức lãi suất 3,9%.
Sản phẩm tiết kiệm mới hướng tới những người sử dụng thẻ tín dụng do Apple đồng phát hành cùng Goldman. Người gửi tiền được miễn phí và cũng không có yêu cầu về lượng tiền gửi tối thiểu. Mức tối đa là 250.000 USD.
Như vậy ngoài chương trình mua trước trả sau sẵn có, Apple đang ngày càng bước sâu hơn vào các sản phẩm dịch vụ tài chính. Một số người dự đoán về khả năng Apple sẽ trở thành 1 ngân hàng.
Tuy nhiên, theo Christian Owens, CEO của công ty thanh toán Paddle, sức mạnh thực sự của Apple nằm ở khả năng kiếm tiền từ kinh doanh phần cứng và các dịch vụ phi ngân hàng. Do đó hãng hoàn toàn có thể tận dụng sức mạnh của các dịch vụ tài chính mà không cần trở thành 1 ngân hàng.
Bằng cách kết hợp với Goldman, Apple sẽ cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ tài chính. Và giống như các sản phẩm mang thương hiệu Apple khác, những sản phẩm này đều mang lại lợi nhuận thặng dư cao trong khi các tránh nhiệm pháp lý được Goldman đảm bảo.
Nhằm tận dụng chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ mà Fed đang thực hiện, người gửi tiền tiết kiệm ở Mỹ đang thi nhau rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng để chuyển sang những sản phẩm thay thế có mức lãi suất cao hơn như các quỹ thị trường tiền tệ hoặc trái phiếu kho bạc.
Schwab cho biết lượng tiền gửi của quý I đã giảm 11% so với quý trước và giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 325,7 tỷ USD. Tiền gửi tại State Street giảm 5%, xuống còn 224 tỷ USD. Ngân hàng này dự báo sẽ có 4-5 tỷ USD tiền gửi không lãi suất bị rút ra trong quý II.
Trong khi đó lượng tiền gửi tại M&T Bank giảm 3%, xuống còn 159,1 tỷ USD.
Tuần này hàng chục ngân hàng cỡ trung và ngân hàng khu vực sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý I, cung cấp bức tranh đầy đủ về những thiệt hại mà vụ sập của SVB và 2 ngân hàng khu vực khác gây ra.
Tuần trước, một vài trong số các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ gồm JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup đã công bố báo cáo. Họ cho biết đã thu hút thêm được hàng tỷ USD tiền gửi từ những khách hàng tháo chạy khỏi các ngân hàng nhỏ sau vụ SVB.
Đóng cửa phiên hôm qua, cổ phiếu của State Street giảm hơn 9% sau khi công bố lợi nhuận quý thấp hơn dự báo. Đối với mảng ngân hàng đầu tư, lượng phí thu được cũng sụt giảm vì lượng tài sản giảm. Theo CEO Ron O’Hanley, cổ phiếu lao dốc “cho thấy các nhà đầu tư thực sự nhạy cảm vì hiện lượng tiền gửi đang biến động mạnh”.
Schwab công bố lợi nhuận tốt hơn dự báo nhưng lại thông báo ngừng mua cổ phiếu quỹ. Lãi suất tăng nhanh đến mức họ đã mất đi một lượng lớn khách hàng cá nhân, thậm chí buộc phải đi vay ở mức lãi cao để bù đắp dòng tiền bị rút ra.
Tuy nhiên quỹ thị trường tiền tệ của Schwab đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 143 lên 358 tỷ USD, và tăng 30% so với quý trước.