A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Loạt chính sách thúc tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2024

Những tháng cuối của năm 2024, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng từ 9% lên khoảng 15% vào cuối năm nhờ loạt chính sách kích thích tín dụng và nhu cầu tăng cao theo mùa vụ.

Sau những tháng nhích chậm đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã có những bước tăng đáng ghi nhận kể từ tháng 6 và gia tốc hơn trong hai tháng trở lại đây. Theo số liệu công bố mới nhất từNgân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), con số tăng trưởng tín dụng cuối tháng 9 đã đạt 9% và với đà tăng như hiện tại Thống đốc cho rằng mục tiêu 15% là hoàn toàn khả thi.

Một điểm đặc biệt của bối cảnh năm nay là mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) không đồng đều, có ngân hàng tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số ngân hàng tăng sát chỉ tiêu được giao đầu năm.

Ngay từ đầu năm, nhiều chính sách thúc đẩy tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều chỉnh room tín dụng linh hoạt

Khác với những năm trước, cuối năm 2023 NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Đến ngày 28/8, NHNN đã nới room cho một số TCTD. Theo đó, tổ chức có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.  

Tăng trưởng tín dụng có sự phân hoá rõ nét giữa các nhóm ngân hàng khi khối ngân hàng cổ phần tư nhân tăng mạnh hơn 8,48%, chiếm 45% thị phần, cao nhất toàn hệ thống. Trong đó nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng hai chữ số.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có ba ngân hàng công bố con số tăng trưởng tín dụng đạt trên 15% gồm HDBank, LPBank và MSB.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mới đây do NHNN thực hiện cho thấy các TCTD đã điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng tín dụng so với lần khảo sát trước đó với mức tăng trưởng quý IV đạt 4,8% và trong cả năm 2024 là 13,2%.

Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng vào một số lĩnh vực tăng cao như tín dụng dành cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 25%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 18,6%,... (tính đến cuối tháng 8).

Cùng với đó, NHNN tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán. Tín dụng bất động sản tính đến tháng 9 tăng khoảng 9,15% so với cuối năm 2023, đạt 3,15 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 4,6% đến cuối tháng 6.

Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,62% và dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,26 triệu tỷ, tăng hơn 16%.

Thúc tăng trưởng tiêu dùng cuối năm

Để thúc đẩy tín dụng, nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi đã được NHNN triển khai với quy mô lớn. Có thể kể đến như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản ;...

Mới đây ngày 15/10, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã ra văn bản chỉ đạo thúc đẩy cho vay tiêu dùng, tăng cường cho vay, đặc biệt đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng.

Trước đó, NHNN thực hiện gói tín dụng ưu đãi đặc biệt như gói hỗ trợ 120.000 - 140.000 tỷ đồng dành cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà.

Với gói này, đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, lãi suất giảm bớt, trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành giảm 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân.

Hiện có 8 ngân hàng tham gia vào gói tín dụng bao gồm 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank và 4 ngân hàng thương mại TPBank, VPBank, MBBank, Techcombank tham gia chương trình.

Ngoài ra, đẩy mạnh giải ngân chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội với mục tiêu xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây là một trong những gói tín dụng lớn mà NHNN triển khai, nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản và giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Bên cạnh đó, chương trình cho vay lâm, thủy sản được triển khai từ giữa năm ngoái với lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất thông thường. Gói tín dụng với lâm, thủy sản có số vốn lúc đầu chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng, nhưng do giải ngân tốt đã tăng lên 30.000 tỷ đồng và đang tiếp tục lên khoảng 40.000 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN nghiên cứu tăng gói tín dụng cho lâm, thuỷ sản đang lên 60.000 tỷ đồng, gấp 4 lần quy mô ban đầu. Các gói này không chỉ giải quyết khó khăn về vốn mà còn giúp thúc đẩy phát triển các ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Đặc biệt, NHNN yêu cầu các TCTD xem xét giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho khoản vay đề án 1 triệu ha lúa Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030, ngoài ra các chủ thể trong liên kết lúa gạo còn được hưởng nhiều ưu đãi như mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Giảm lãi suất cho vay

Điều hành và duy trì mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm so với cuối năm 2023 cũng là một trong những động thái của NHNN giúp tín dụng tăng tốt hơn.Theo số liệu hiện nay, lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, ở mức nhỏ với một số ngân hàng thương mại nhỏ.

NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. 

Ngoài giảm lãi suất cho vay, ngân hàng liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi “may đo” cho từng nhóm khách hàng khác nhau.

Vừa qua, trước ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi, có 32/40 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5 - 2%, tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng, nhằm giúp người dân sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Kết quả điều tra của NHNN cũng cho thấy trong quý IV, các TCTD sẽ có xu hướng tăng nhẹ mặt bằng lãi suất huy động, trong khi duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1 điểm % và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ 0,09 điểm % so với cuối năm 2023.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo