Đề xuất đánh thuế đầu cơ vàng
Hiện cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý.
Ngoài đáp ứng điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu 2 loại thuế, gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Là loại hàng hóa đặc biệt, thuế VAT đánh trên sản phẩm này áp dụng với phần chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra.
Giới phân tích tài chính - ngân hàng cho rằng, nhiều nước trên thế giới hiện cũng áp dụng quy định đánh thuế khi mua bán vàng vật chất. Nếu mua bán vàng trên các sàn giao dịch hàng hóa, thì nộp thuế như giao dịch chứng khoán.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, để quản lý thị trường vàng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế. Nếu Nhà nước không khuyến khích thì đánh thuế cao, ngược lại thì giảm thuế. Chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính cũng không hiệu quả bằng thuế.
Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân giữ vàng, nhưng cũng không cấm cản. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng là câu chuyện của quốc tế, không chỉ riêng Việt Nam. Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để ổn định thị trường vàng, như đấu thầu vàng, nhưng chênh lệch giá bán vàng miếng SJC với giá vàng thế giới chưa giảm như kỳ vọng.
Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Mục tiêu là chống vàng hóa nền kinh tế, không để tác động xấu đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán..
Đại diện Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt là đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.