Cổ phiếu chu kỳ trở lại đường đua - Bất động sản và Ngân hàng dẫn sóng
Động lực phục hồi từ thị trường bất động sản và tín dụng ngân hàng đang tạo sóng mới cho nhóm cổ phiếu chu kỳ. VPBankS nhận định đây sẽ là lực kéo chính của thị trường trong giai đoạn 2025–2026.
Cổ phiếu Bất động sản "nóng máy"
Theo Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), bước sang nửa cuối năm 2025, thị trường bất động sản nhà ở cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Thị trường Hà Nội sôi động trở lại.
Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ dự kiến đạt hơn 31.000 căn, trong khi TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 9.000 căn hộ mới, tăng tới 78% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nguồn cung nhà liền thổ tại TP. Hồ Chí Minh được dự báo tăng gấp hơn ba lần, cho thấy sự trở lại đáng chú ý của thị trường sơ cấp.
Lực đẩy của chu kỳ tăng trưởng này đến từ các cải cách chính sách lớn, nổi bật là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 cùng các nghị định hướng dẫn thi hành như Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định giá đất mới nhất và Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT về hồ sơ và giấy tờ đất đai. Những thay đổi này không chỉ tháo gỡ vướng mắc pháp lý, mà còn đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án và nâng cao tính minh bạch cho toàn thị trường.
Số căn được cấp phép mới tăng. Nguồn: Bộ Xây dựng, VPBankS Research
Đi kèm với đó, tiến độ giải ngân đầu tư công tăng tốc, đạt gần 200.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 5/2025, cao hơn 34,5% so với cùng kỳ, cũng tạo lực lan tỏa tích cực cho bất động sản địa phương. Các doanh nghiệp như Vinhomes (VHM), Nam Long (NLG), Đất Xanh (DXG) đang có vị thế sẵn sàng để tận dụng chu kỳ mới, khi lượng hàng có sẵn (backlog) dồi dào kết hợp cùng kế hoạch mở bán rầm rộ trong nửa cuối năm.
Dù rủi ro giá nhà tăng nhanh vẫn hiện hữu, VPBankS dự báo xu hướng giá sẽ ổn định dần từ năm 2025 khi nguồn cung được cải thiện, góp phần thúc đẩy thanh khoản và tâm lý thị trường tích cực hơn.
Ngân hàng “tăng tốc” theo chu kỳ tín dụng - Cổ phiếu đầu tàu dòng tiền
Song hành với Bất động sản, cổ phiếu ngành Ngân hàng, vốn mang tính chu kỳ rõ nét, đang trở lại mạnh mẽ nhờ sự hồi phục của tín dụng tiêu dùng và cho vay mua nhà. Dữ liệu quý I/2025 cho thấy tăng trưởng tín dụng trung bình đạt 3,8%, mức cao nhất trong 4 năm qua. Nổi bật là HDBank với mức tăng tới 46%, VPBank đạt 7,7% và TPBank tăng 4,5%.
Tăng trưởng tín dụng năm 2025 được kỳ vọng sẽ vượt mức của ba năm gần đây. Nguồn: NHNN, VPBankS
Không chỉ tín dụng khởi sắc, chất lượng tài sản tại nhiều ngân hàng cũng được cải thiện rõ rệt. VPBank dù từng bị lo ngại bởi tỷ lệ nợ xấu cao, nay đã ghi nhận xu hướng giảm ổn định. Tại Techcombank (TCB), biên lãi ròng (NIM) được hỗ trợ tích cực nhờ hệ thống CASA mạnh và danh mục cho vay tập trung vào bất động sản. Trong khi đó, VietinBank (CTG), với định giá thấp nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh, được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công và môi trường lãi suất ổn định.
Với định giá P/B hiện tại vẫn dưới trung bình 5 năm, tiềm năng sinh lời của nhóm ngân hàng còn nhiều dư địa, đặc biệt khi chu kỳ tăng trưởng tín dụng đang vào giai đoạn thuận lợi hơn nhờ sức cầu vay vốn hồi phục.
Đáng lưu ý, theo VPBankS, động lực tăng giá cổ phiếu trong năm 2025 sẽ nghiêng nhiều về kỳ vọng thị trường thay vì chỉ đến từ kết quả kinh doanh. Điều này càng củng cố vai trò dẫn sóng của các cổ phiếu chu kỳ, vốn luôn thu hút dòng tiền khi thị trường kỳ vọng bước vào pha hồi phục.
Theo VPBankS, cổ phiếu chu kỳ, đặc biệt là bất động sản và ngân hàng, đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong 12 tháng tới. Khi chính sách pháp lý và hạ tầng được gỡ nút thắt, còn tín dụng quay lại đà tăng, đây chính là thời điểm để dòng tiền lớn quay lại với các cổ phiếu mang tính chu kỳ cao.