Có nên đánh thuế thu nhập từ thừa kế, quà tặng: Nhiều ý kiến trái chiều
Bộ Tài chính đề xuất mở rộng các loại tài sản thừa kế, quà tặng vào diện chịu thuế. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và cũng đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ quy định này, hoặc xem xét lại về thuế suất.

Bộ Tài chính đề xuất mở rộng các loại tài sản thừa kế, quà tặng vào diện chịu thuế (Ảnh minh họa).
Bổ sung các khoản thừa kế, quà tặng phải chịu thuế
Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến rộng rãi, Bộ đề xuất nghiên cứu và bổ sung quy định về thu nhập từ thừa kế và quà tặng vào luật, nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo công bằng trong việc đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Với thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng, theo Bộ Tài chính, Việt Nam đang không tính thuế TNCN với một loại tài sản thừa kế như nhiều nước áp dụng. Bộ Tài chính nêu rõ: Tại khoản 9, khoản 10 Điều 3, Điều 18 Luật thuế TNCN hiện hành mới chỉ quy định thu thuế đối với tài sản thừa kế, quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng mà không thu thuế TNCN đối với một loại tài sản thừa kế mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.
Chẳng hạn, nhiều quốc gia đánh thuế thừa kế, quà tặng theo giá trị, gồm tài sản và tiền mặt. Tại Thái Lan, tài sản chịu thuế thừa kế gồm bất động sản, chứng khoán, tài sản tài chính, tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc các loại tiền khác có tính chất tương tự. Hàn Quốc, Nhật Bản quy định đánh thuế cá nhân với tất cả tài sản được thừa kế. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về thu nhập từ thừa kế, quà tặng tại luật Thuế TNCN cho phù hợp với thực tế.
Hiện nay, theo luật Thuế TNCN, thuế suất từ thừa kế và quà tặng là 10%, nhưng thừa kế giữa những người trong gia đình được miễn thuế. Mục tiêu của đề xuất này là mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo tính công bằng trong việc đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Trước đề xuất trên, nhiều địa phương, bộ, ngành và chuyên gia đã đưa ra ý kiến đóng góp. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số trường hợp thừa kế, quà tặng vào thu nhập miễn thuế. Cụ thể gồm: Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là động sản có đăng ký sở hữu hoặc quyền khác theo quy định của pháp luật giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
Lý do theo UBND TP Đà Nẵng, tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Trong đó, đối với động sản, theo quy định các luật hiện hành thì chỉ một số trường hợp động sản bắt buộc phải đăng ký gồm: Tàu biển, phương tiện nội thủy địa, tàu cá, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu bay, phương tiện giao thông đường sắt. Còn lại, các tài sản động sản khác không phải đăng ký, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do vậy, UBND TP Đà Nẵng cho rằng sẽ không phù hợp theo Luật định và theo thực tế việc phân biệt khoản thu nhập được miễn thuế TNCN từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các mối quan hệ thân thuộc (như đã nêu trên) mà lại không ghi nhận thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là động sản giữa các mối quan hệ thân thuộc.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết tại dự thảo đã có đề xuất giải pháp mở rộng phạm vi thu nhập từ thừa kế, quà tặng thuộc diện chịu thuế TNCN để thực hiện mở rộng cơ sở thuế. Nội dung này sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cụ thể khi dự án Luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Còn UBND tỉnh Ninh Thuận thì đề nghị xem xét, xóa bỏ thuế đối với thừa kế, do điều khoản này không hợp lý và dễ gây khó khăn cho người dân, đặc biệt khi tài sản thừa kế không sinh ra thu nhập thường xuyên.

Đề xuất được nhiều người quan tâm và cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến cho rằng nên bỏ quy định này, hoặc xem xét lại về thuế suất (Ảnh minh họa.
Trong khi về thuế suất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đối với mức thuế suất từ thuế thu nhập thừa kế, quà tặng (10%), với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản 2%.
“Trong trường hợp tài sản được thừa kế là bất động sản thì thu nhập chịu thuế từ thừa kế bất động sản chưa có căn cứ xác định, thêm vào đó người được hưởng tài sản thừa kế phải nộp mức thuế cao hơn người chuyển nhượng. Nếu giá trị tài sản là bất động sản càng cao thì thuế TNCN càng lớn và có thể gây sức ép với người nhận thừa kế. Do đó đề nghị xem xét mức thuế này trong biểu thuế để đảm bảo công bằng cho các đối tượng nộp thuế”, Bộ này nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng hoạt động thừa kế và chuyển nhượng là khác nhau. Đối với hoạt động chuyển nhượng, cá nhân có chi phí giá vốn. Do vậy, việc đồng nhất thuế suất giữa hoạt động chuyển nhượng và nhận thừa kế là không phù hợp.
Thuế đối với thừa kế và quà tặng trong gia đình là không cần thiết
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không nên đánh thuế thừa kế và quà tặng giữa những người trong gia đình, vì việc thừa kế và cho tặng là văn hóa truyền thống của người Việt. Do đó, việc đánh thuế thừa kế và quà tặng cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với thực tế.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cũng cho rằng không nên tính thuế thừa kế và quà tặng bất động sản giữa những người có quan hệ thân nhân trong gia đình, tuy nhiên có thể tính thuế với bất động sản khi có sự chuyển nhượng, mua bán.
Còn ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn Thuế Sài Gòn cũng nêu quan điểm, việc áp dụng thuế đối với thừa kế và quà tặng trong gia đình là không cần thiết, không nên bị đánh thuế. Hơn nữa, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm lên đến hàng tỉ USD góp phần tạo nguồn ngoại tệ và ổn định thị trường tỷ giá. Việc đánh thuế đối với cho tặng tiền mặt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng kiều hối này, vốn là nguồn ngoại tệ quan trọng.
Theo giới chuyên gia, các quy định hiện hành không tính thuế tiền gửi tiết kiệm và kiều hối nhằm thu hút tiền vào ngân hàng và về nước. Nếu áp dụng thuế đối với cho tặng tiền mặt, chính sách này có thể tác động tiêu cực đến lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Ông Nguyễn Thái Sơn khẳng định, các nguồn tiền gửi tiết kiệm dù ở hình thức nào cũng được đưa ra cho vay, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đánh thuế thừa kế và quà tặng có thể làm giảm lượng tiền gửi tiết kiệm và kiều hối, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Việc đánh thuế thu nhập từ thừa kế và quà tặng cho thấy mục tiêu của đề xuất này là mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo công bằng trong việc đóng góp vào ngân sách nhà nước, nhưng cần xem xét kỹ lưỡng các tác động kinh tế và xã hội, đặc biệt là đối với văn hóa truyền thống và tình cảm gia đình của người Việt, tuy nhiên ý kiến của các chuyên gia và một số địa phương cho thấy việc đánh thuế thừa kế và quà tặng trong gia đình có thể không phù hợp với thực tế Việt Nam và cần được xem xét lại.
Dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Thuế TNCN (thay thế) tại kỳ họp cuối năm nay.