Từ độ trễ của chính sách tới xu hướng hồi phục thị trường bất động sản
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh hơn từ quý II hoặc quý III/2024. Còn từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn sẽ ở trong giai đoạn trầm lắng. Tuy vậy, phân khúc căn hộ chung cư và BĐS công nghiệp sẽ có sự hồi phục sớm hơn vào cuối năm, nhờ tác động từ các chính sách đối với thị trường và khả năng phục hồi từ giữa năm 2024.
Theo báo cáo từ Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, đối với phân khúc nhà ở chung cư giao dịch trong các tuần 2,3,4 tháng 8/2023 và báo cáo tổng hợp từ các chương trình ưu đãi trong tháng 7 “tháng Ngâu” vừa qua cho thấy, nhiều dự án mở bán mới đang được chiết khấu cao khoảng 20% so với giai đoạn trước. Ngoài chiết khấu sâu về giá, các chương trình chia nhỏ thanh toán tới vài năm cũng tạo động lực cho người mua nhà. Đây chính là cách thức “kích cầu” tiêu dùng và tác động nhẹ tới thị trường dịp cuối năm.
“Việc các NHTM giảm lãi suất huy động, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc cơ hội, nhất là khách hàng mua để ở. Thị trường có dấu hiệu ấm lên ở một số phân khúc có nhu cầu ở thực ở vùng nội đô. Còn vùng ngoại ô, các phân khúc đầu cơ thì nhà đầu tư thực sự cần cân nhắc”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết.
Báo cáo cập nhật ngành bất động sản công bố gần đây, SSI Research cho biết, cả sức cầu và lượng giao dịch những tháng đầu năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường cũng có dấu hiệu “tạo đáy” và bắt đầu có sự chuyển biến khi mặt bằng lãi suất giảm sớm hơn dự kiến.
“Chính sách đã tác động tới thị trường và độ trễ từ đầu năm. Tới nay, điểm rơi của thị trường đã chạm đáy và theo tôi, tới quý 4 này, vào khoảng tháng 11, thị trường sẽ cân bằng và tới điểm phục hồi. Giai đoạn này các chủ đầu tư có hàng sẵn sẽ điều chỉnh giá bán, sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư và người mua ở thực”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Landora nhận định.
Các chuyên gia thị trường nhận định, ở khu vực phía Nam, sau sân bay Long Thành, hệ thống metro tại TP.HCM sẽ sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, khi đó “sóng” hạ tầng sẽ kích hoạt hàng loạt các cơ hội cho nhà đầu tư. Còn tại phía Bắc, khi đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội thông xe vào năm 2027 theo kế hoạch, nguồn cung nhà ở nơi tuyến đường đi qua được dự báo sẽ tăng 30-35% so với hiện nay, gia tăng nguồn cung và giảm áp lực cho vùng nội đô với quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
“Khi Chính phủ đưa ra các quyết sách sẽ có sự tác động tới thị trường ngay từ cuối năm nay. Sắp tới, các luật Đất đai có điều chỉnh, tạo điều kiện phát triển nguồn quỹ đất. Doanh nghiệp sẽ có năm tới để phát triển các dự án, tạo tiền đề cho nguồn cung, tạo “cú hích” và tác động lan tỏa tốt cho thị trường”, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đầu tư BĐS phân tích.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, về bản chất, thị trường vẫn duy trì các nền tảng cung - cầu tốt, các chính sách pháp lý đang được điều chỉnh, cập nhật và dần hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, dấu hiệu hồi phục cũng xuất hiện, dù chưa rõ nét. Thị trường cần thêm thời gian, ít nhất là vài quý tiếp theo để bất động sản quay lại quỹ đạo phát triển.
Đồng tình với nhận định này, TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đất Xanh cho biết, qua khảo sát thị trường cho thấy, niềm tin thị trường sẽ dần quay trở lại từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi các chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng và trở thành động lực thị trường khởi sắc. Đặc biệt là Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và việc hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành lực đẩy giúp cho thị trường bất động sản cùng nhiều ngành nghề khác phục hồi và đảo chiều tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2023, đầu năm 2024.