Hết thời môi giới bất động sản được thưởng Tết bằng nhà và xe ô tô: Chỉ mong được thưởng như công nhân!
Thị trường bất động sản rơi vào tình trạng kém thanh khoản, theo đó, nhiều môi giới lo không có thưởng Tết, hy vọng chỉ được thưởng vài triệu đồng cũng tốt.
Hết thời thưởng Tết khủng
Những năm trước đây, thị trường bất động sản diễn biến sôi động, giao dịch ngày càng nhiều. Theo đó, ngoài việc có mức hoa hồng cao ngất ngưởng thì nhiều môi giới bất động sản còn giàu lên nhờ mức thưởng Tết siêu khủng tới hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, không ít người còn được thưởng xe ô tô, nhà và những chuyến du lịch nước ngoài,...
Tuy nhiên, tình cảnh năm nay đã khác, nhiều môi giới đang chật vật tìm cách kiếm tiền vì bị cho nghỉ Tết sớm, thậm chí không có thời gian cụ thể quay trở lại việc. Đơn cử, Công ty Cổ phần Bất động sản Duyên Hải có thông báo về việc cho nhân viên nghỉ Tết sớm kéo dài gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến hết ngày 05/02/2023. Đây được cho là sự việc chưa từng có trong tiền lệ của thị trường bất động sản.
Anh Phạm Văn Cường, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, cùng thời điểm này năm trước, anh cùng các đồng nghiệp đang bận rộn với lịch trình ăn nhậu, tất niên sớm và vui vẻ khoe với nhau mức thưởng Tết lên tới vài trăm triệu đồng thì nay kỷ niệm chỉ còn được nhắc lại bằng những tấm ảnh trên Facebook.
“Những năm trước không thiếu các công ty bất động sản thưởng cho nhân viên bằng xe ô tô. Cũng mới chỉ năm ngoái, các bạn bè của tôi khi được thông báo về mức thưởng đã lên kế hoạch đổi xe ô tô, thêm tiền mua nhà, mua đồ hiệu,...Nhưng giờ đã khác, số lượng giao dịch thành công trong cả năm đếm được trên đầu ngón tay. Các công ty khó khăn còn cắt giảm nhân sự nói gì tới thưởng Tết”, anh Cường ngậm ngùi nói.
Theo anh Cường, hiện nay, thu nhập của anh với nghề môi giới bằng 0 đồng, mọi chi phí trong nhà đều phụ thuộc vào vợ anh bán hàng online. “Không có khách mua bất động sản, thời điểm này cũng gần Tết nên tôi tạm thời ở nhà đi giao hàng giúp vợ, kiếm thêm tiền”, người đàn ông này nói.
Tương tự, anh Nguyễn Thu, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, đã nhiều tháng nay, anh không có giao dịch nào thành công. Đa phần những người gọi tới cũng chỉ khảo giá rồi “bặt vô âm tín”.
Nhiều môi giới xoay sở sang nghề khác
Thực tế, thị trường bất động sản kém giao dịch, nhiều môi giới hiện nay đang rơi vào cảnh thất nghiệp, một số khác xoay sở sang nghề khác làm tạm thời. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng "đói vốn", khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn; thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu mạnh, trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu tăng. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.
"Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Đính cho biết.
Ông Đính khuyên, những người làm môi giới bất động sản còn muốn gắn bó với nghề nên chuyển sang bán những phân khúc khác có thanh khoản tốt hơn như sản phẩm phục vụ nhu cầu thực ở khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì không nên quá kỳ vọng vào thanh khoản của thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Bên cạnh đó, có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp để tồn tại.
Cụ thể, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo vị chuyên gia, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.