A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

ABS: 'Ngân hàng đứng giữa ba thế khó'

Theo ABS, 3 lợi ích khó "hài hòa" tạo ra thế khó cho hệ thống ngân hàng là: (1) lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế; (2) lãi suất đầu vào không thấp để khuyến khích tiền ở lại NHTM và duy trì chênh lệch lãi suất VND so với lãi suất USD trong tầm kiểm soát; (3) NHTM có đủ lợi nhuận để tạo ra của để dành, tăng dự phòng đối với rủi ro nợ xấu tăng lên.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TPBank

Lãi suất huy động dự báo nhích thêm 0,7-1 điểm % nhưng không tác động đến lãi suất cho vay

Trong quý I năm nay, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên, bước sang quý II, xu hướng này đã đảo chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Biên độ tăng lớn nhất thuộc về các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mức tăng khiêm tốn hơn, tập trung ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn. 

Chứng khoán An Bình (ABS) trong báo cáo mới đây phân tích rằng việc một số ngân hàng tăng lãi suất gần đây có thể đến từ một vài lý do. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này.

Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm tăng có thể là tín hiệu pha trộn giữa tích cực và tiêu cực. Khi lãi suất có thể do hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn có nhu cầu tín dụng nhiều hơn, khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng. Mức tăng của lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.

Trong xu hướng hiện tại, nhóm phân tích ABS nhận định lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,7-1%. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại hoặc nhích lên nhẹ trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Nhận định này tương đồng với quan điểm của nhóm phân tích MBS Research trong báo cáo tiền tệ mới nhất. Theo đó, MBS cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 70 - 100 điểm cơ bản, quay về mức 5,3%-5,6% trong nửa sau năm 2024. Trong khi đó, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NHTM nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Áp lực tỷ giá cao trong ngắn hạn và thế khó của chính sách tiền tệ

Nguồn ảnh: ABS

Về tỷ giá, trong tuần qua, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng - giảm đan xen. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (7/6), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.241 VND/USD, giảm 20 đồng so với phiên ngày cuối tuần trước đó. Sang đầu tuần này, tại ngày 12/6, tỷ giá trung tâm hiện được niêm yết ở 24.254 VND/ USD, tăng nhẹ 13 đồng so với cuối tuần trước.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 5%. ABS nhận định áp lực tỷ giá đang ngày một lớn hơn với việc nhập siêu quay trở lại trong tháng 5.

Trong ngắn hạn, dự báo áp lực tỷ giá sẽ còn cao trong một khoảng thời gian nữa, với sức ép chung đến từ nhu cầu USD cho nhập khẩu, việc Fed giữ lãi suất cao và áp lực giữ dòng tiền tiết kiệm tại ngân hàng. 

Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ được gia hạn đến hết năm 2024. Do đó, một số doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn mới, nên nhu cầu vốn để cho vay dự kiến sẽ tăng hơn trong thời gian tới. 

Cùng đó, các ngân hàng thương mại sẽ phải cố gắng tăng các khoản dự phòng rủi sau khi Thông tư 02 hết hạn. Điều này khiến cho lãi suất khó mà giảm nhiều được nữa (nhu cầu vốn tăng, nhu cầu duy trì biên lãi suất sẽ kéo mặt bằng lãi suất lên). Hơn nữa, NHNN cũng có sức ép phải duy trì mặt bằng lãi suất VND không quá xa với USD.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng chỉ ra rằng việc giữ mặt bằng lãi suất VND cao hơn lại mâu thuẫn với yêu cầu của Chính phủ giảm 1-2% lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. 

“Lúc này xuất hiện ba lợi ích khó mà “hài hòa” được: (1) lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế; (2) lãi suất đầu vào không thấp để khuyến khích tiền ở lại NHTM và duy trì chênh lệch lãi suất VND so với lãi suất USD trong tầm kiểm soát; (3) NHTM có đủ lợi nhuận để tạo ra của để dành, tăng dự phòng đối với rủi ro nợ xấu tăng lên”, báo cáo của ABS nhận định.

Dù vậy, ABS dự báo sức ép tỷ giá nhiều khả năng sẽ “nguội” dần về cuối năm. Dự báo dựa trên cơ sở về cuối năm, dòng tiền từ kiều hối, giải ngân FDI và xuất khẩu sẽ giúp cân bằng lại nhu cầu USD. Việc áp lực tỷ giá nhẹ đi sẽ giúp “thế khó” này trở nên dễ thở hơn, theo nhóm phân tích.


Nguồn:doanhnhanvn.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo