3 yếu tố tác động mạnh đến chứng khoán Việt Nam trong tháng Tư
Trong báo cáo mới cập nhật, SGI Capital cho rằng ba yếu tố cốt yếu sẽ tác động mạnh hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Yếu tố thứ nhất, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do kiên trì chính sách zero-COVID.
Với đợt dịch bắt đầu bùng phát từ đầu tháng ba, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành lockdown nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến hay một số thành phố có cảng biển trọng yếu. Kết quả là PMI tháng ba của Trung Quốc đã giảm về 48,1, thể hiện việc sản xuất bị đình trệ trong khi Ngân hàng TW vẫn đang thực hiện quyết liệt việc nới lỏng. SGI Capital cho rằng nếu Chính phủ Trung Quốc nếu vẫn kiên trì zero - covid sẽ phải áp dụng những biện pháp cực đoan hơn.
Các dữ liệu về hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã ngay lập tức phản ánh tác động tiêu cực trên. Nếu kéo dài, những tác động này sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh tồn kho trung bình của doanh nghiệp chỉ quanh khoảng hai tháng. Chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới có thể bị đứt gãy trầm trọng hơn mà chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa không thể giải quyết.
Yếu tố thứ hai, tác động từ chính sách FED lên thị trường tài sản.
Với tỷ lệ thất nghiệp tháng ba ở mức 3,6% và lương theo giờ tăng 5,6% so với cùng kỳ, thị trường nhận định rằng tỷ lệ lạm phát cao trên nền toàn dụng lao động sẽ là tâm điểm của FED và pricing FED sẽ nâng lãi suất tương đương 8 lần với mỗi lần 0,25%. Việc nhìn trước lãi suất ngắn hạn sẽ gia tốc trong thời gian ngắn đang tạo ra một trong những hiện tượng hiếm khi xảy ra là đường cong lợi suất của một số cặp trái phiếu được giới đầu tư hay quan sát (2 năm/ 10 năm, hoặc 5 năm/ 30 năm) bị đảo ngược.
Trong điều kiện bình thường, sự đảo ngược này thường là chỉ báo cho sự suy thoái kinh tế sau đó từ 12 tháng – 18 tháng. Lý do đằng sau của hiện tượng này thường là ở cuối chu kỳ kinh tế khi đầu tư CAPEX của doanh nghiệp đạt mức cao, trong khi FED thắt chặt khiến thanh khoản của thị trường tài chính suy giảm và dẫn tới khan hiếm vốn ngắn hạn. Lúc này, doanh nghiệp có xu hướng chấp nhận lãi suất ngắn hạn cao bất thường để có vốn cho các mục đích kinh doanh và trả nợ. Khi điều này duy trì đủ lâu, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu bị bào mòn lợi nhuận. Việc này dẫn đến lương không tăng và kéo theo thị trường bất động sản và tiêu dùng chậm lại, tạo ảnh hưởng ngược lên các doanh nghiệp. Đầu tư và tiêu dùng suy giảm toàn diện làm tăng rủi ro vỡ nợ và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Khác với các chu kỳ trước, trong bối cảnh đầu tư CAPEX của chu kỳ này còn thấp và FED chưa hút tiền về, SGI Capital cho rằng việc đảo ngược lợi suất trái phiếu trong ngắn hạn hiện nay đang là kết quả của việc nhìn trước FED sẽ rất "diều hâu" trong nâng lãi suất trong những tháng tới bởi lạm phát chưa có dấu hiệu nguội đi. Trong giai đoạn này, định giá TTCK Mỹ có thể sẽ đi trong biên hợp lý của trung bình 5-10 năm như hiện nay, bởi sự cân bằng kéo co giữa tăng trưởng vẫn trên trung bình và lãi suất ngắn hạn cao hơn. SGI Capital cho biết sẽ quay lại chủ đề này khi FED bắt đầu hút tiền về, dư kiến trong khoảng tháng 6/2022.
Yếu tố thứ ba, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết năm 2022.
"Trong các báo cáo đầu năm 2022, chúng tôi đã từng nhấn mạnh tác động mạnh nhất tới thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh mới: mối đe dọa từ giá hàng hóa cơ bản cao, bất ổn của chiến tranh và lãi suất bước vào chu kỳ bình thường hóa về mức trước dịch COVID. Cách thức doanh nghiệp thích ứng, đổi mới và nắm bắt cơ hội sẽ tạo ra cơ hội cho sự phân hóa mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán", đội ngũ phân tích nêu nhận định .
Mặt khác, SGI Capital nhận thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp đệ trình lên Đại hội cổ đông với những kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trên 20%, một phần bởi quý 2 và 3/2021 ở nền thấp. Tuy nhiên, lưu ý rằng sẽ có hai tác động đan xen, cụ thể là nền lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng dần về vùng trước dịch sẽ tạo áp lực lên định giá P/E của thị trường, hiện đang ở vùng trung vị của giai đoạn trước dịch. Song song đó, nền kinh tế Việt Nam mới bắt đầu hồi phục trở lại, các tác động của lạm phát cao hơn chưa gây áp lực lên hoạt động kinh doanh như ở một nền kinh tế giai đoạn cuối chu kỳ tăng trưởng.
Trong giai đoạn kinh tế phục hồi này, doanh nghiệp thường tạo nhiều ngạc nhiên theo hướng vượt kỳ vọng và kế hoạch. Đó chính là nơi tiềm ẩn các cơ hội đầu tư của năm nay, trong một môi trường rất phân hóa.
https://cafef.vn/3-yeu-to-tac-dong-manh-den-chung-khoan-viet-nam-trong-thang-tu-20220405171648912.chn