Michel Bussi và phương pháp phê bình trinh thám trong ‘Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?’
Nhà văn Pháp Michel Bussi đã sử dụng phương pháp phê bình trinh thám để viết cuốn Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?, mà theo dịch giả Bảo Chân, thể loại này còn ít thấy ở thị trường xuất bản Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tác giả sử dụng.
Nhà văn Pháp Michel Bussi tọa đàm với độc giả ở TP.HCM tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ngày 3-11 - Ảnh: MINH KHÔI
Chiều 3-11, tác giả tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của Pháp Michel Bussi đã có buổi tọa đàm với độc giả tại TP.HCM nhân dịp ra mắt bản dịch của cuốn tiểu thuyết trinh thám Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?.
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Michel Bussi cho biết để viết tác phẩm này, ông lấy ý tưởng từ vụ mất tích của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry và cái chết của Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên.
Hình tượng nhân vật Hoàng tử bé trong tác phẩm của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry cũng rất có ảnh hưởng đến bản thân Michel Bussi.
Nhà văn Michel Bussi và dịch giả Trần Lê Bảo Chân tại buổi giao lưu - Ảnh: VIỆN PHÁP
Cùng tham gia buổi tọa đàm, dịch giả Trần Lê Bảo Chân cho biết nhà văn Michel Bussi đã sử dụng phương pháp “điều tra ngược” và “phê bình trinh thám” - thuộc trường phái phê bình can thiệp (từ gốc tiếng Pháp: la critique interventionniste), để viết cuốn sách này.
Theo dịch giả Bảo Chân, trong phê bình can thiệp, người phê bình không phải là một độc giả thụ động đứng bên ngoài tác phẩm, mà đi sâu vào bên trong tác phẩm để nghiên cứu, lấy góc nhìn của người có tham gia vào câu chuyện của tác phẩm để đọc và phân tích.
Có ba phương pháp chính của phê bình can thiệp và phê bình trinh thám mà Michel Bussi đã sử dụng là một trong số đó.
Nhà văn Michel Bussi chia sẻ rằng cái kết trong chuyện Hoàng tử bé vốn rất gợi mở, cho phép mỗi người đọc đều có suy luận của riêng mình về cái chết của nhân vật, chính điều đó đã thúc đẩy ông vận dụng kỹ thuật viết của phê bình trinh thám để đi sâu vào tác phẩm và “viết lại” Hoàng tử bé với góc nhìn khác của cá nhân ông.
Giáo sư Pierre Bayard, người sáng lập phương pháp phê bình can thiệp, cũng có mặt trong khán phòng của buổi giao lưu với nhà văn Michel Bussi ngày 3-11.
Pierre Bayard là giáo sư văn chương ở Đại học Paris 8, là nhà văn, nhà phê bình văn học và chuyên gia phân tích tâm lý. Ông hiện đang có mặt tại TP.HCM và đã có buổi giao lưu với các sinh viên khoa tiếng Pháp của Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Nhà văn Michel Bussi nhận rất nhiều câu hỏi từ độc giả trong buổi giao lưu - Ảnh: VIỆN PHÁP
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại buổi giao lưu, giáo sư Pierre Bayard cho biết bản thân ông rất bất ngờ và thấy rất tự hào khi biết nhà văn Michel Bussi dùng phương pháp phê bình do ông sáng lập để viết cuốn Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?.
“Tôi rất tự hào khi biết Michel Bussi dùng phương pháp phê bình trinh thám để viết cuốn sách này”, giáo sư Bayard nói.
Theo giáo sư Bayard, phương pháp phê bình trinh thám và rộng hơn là phê bình can thiệp vốn là trường phái phê bình mang tính hàn lâm, nghiên cứu, nhưng nhà văn Michel Bussi đã áp dụng thành công phương pháp này trong tác phẩm mới mang tính thương mại. Đây là một thành công rất đáng khích lệ của tác giả.
Giáo sư Bayard và dịch giả Bảo Chân không chỉ cùng có chung nhận định tác giả đã thành công trong việc thuyết phục được độc giả trong việc nhìn lại Hoàng tử bé theo góc nhìn khác, mà còn đánh giá tác giả đã làm được nhiều hơn thế.
Độc giả lấp kín khán phòng hội trường D của Đại học KHXH&NV tối 3-11. Chuỗi sự kiện giao lưu của Michel Bussi với độc giả Việt Nam do Viện Pháp tổ chức, diễn ra ở Hà Nội (25-10), Huế (29-10), Đà Nẵng (31-10) và TP.HCM (ngày 3-11) - Ảnh: VIỆN PHÁP
Michel Bussi ký tặng sách cho độc giả sau buổi giao lưu. Bên cạnh tác phẩm mới ra mắt về Hoàng tử bé, nhiều độc giả cũng quan tâm tới tác phẩm Hoa súng đen của tác giả - Ảnh: VIỆN PHÁP
Khoảng khắc "tự sướng" cùng fan hâm mộ - Ảnh: VIỆN PHÁP
Michel Bussi sinh năm 1965, là giáo sư địa lý tại Trường đại học Rouen, được độc giả quốc tế biết đến với vai trò tiểu thuyết gia trinh thám. Theo Figaro, Michel Bussi là tác giả người Pháp được đọc nhiều thứ hai trong năm 2019.
Theo Nhã Nam, Michel Bussi bắt đầu sự nghiệp văn chương trong những năm 1990, từ đó liên tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, giành nhiều giải thưởng danh giá như Michel Lebrun dành cho Tiểu thuyết trinh thám hay nhất năm 2011, giải Gustave Flaubert dành cho Tiểu thuyết hay nhất năm 2011, giải Maison de la Presse và giải Tiểu thuyết hay năm 2012, giải Tiểu thuyết hay viết về đảo năm 2013,...
Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” của nền văn học đương đại Pháp. Các tiểu thuyết của ông đã được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số đã được chuyển thể thành phim.
Các tác phẩm của ông đã xuất bản ở Việt Nam có: Hoa súng đen, Xin đừng buông tay, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằn trên cát, Kho báu bị nguyền rủa, Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?.