A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kịch kết hợp đối thoại cộng đồng: Có dễ dàng là chính mình?

Bức chân dung (đạo diễn: Lê An, biên kịch: Nguyễn Phát) là dự án kịch nói kết hợp đối thoại cộng đồng do đạo diễn Lê An khởi xướng, thuộc khuôn khổ dự án sân khấu Antigone của Viện Goethe.

Kịch kết hợp đối thoại cộng đồng: Có dễ dàng là chính mình? - Ảnh 1.

Vở kịch Bức chân dung được trình chiếu ngoài trời phục vụ khán giả. Nhân vật An (Huỳnh Ly đóng) trong Bức chân dung - Ảnh: LINH ĐOAN

Đây là dự án kịch duy nhất ở TP.HCM trong số 6 đơn vị được Goethe lựa chọn.

Vở lấy cảm hứng và Việt hóa từ hồi 1 của Antigone - tác phẩm của nhà soạn kịch nổi tiếng người Hy Lạp Sophocles.

Không chỉ là vở kịch thông thường

Tối 26-2, tại Ươm Art Hub, (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Saigon Theatreland đã giới thiệu đến công chúng vở kịch nói Bức chân dung. Vở là câu chuyện trong một gia đình Việt Nam ở những năm đầu 1970 với chỉ 3 nhân vật: hai chị em An (Huỳnh Ly), Nhi (Thanh Trúc) và người cha là ông Đắc (Công Danh).

An là sinh viên báo chí và đang cùng nhóm bạn thực hiện những cuộc điều tra xã hội học, đồng thời lên tiếng chống lại sắc lệnh cấm chôn cất xác địch. An có một người anh trai thứ 2 tử trận, người anh thứ 3 cũng vừa mới mất nhưng vì sắc lệnh cấm chôn cất xác địch mà chính cha cô ký nên xác anh vẫn nằm lạnh lẽo nơi chiến trường.

Đau đớn cho anh trai và chia sẻ nỗi đau của các thân nhân khác, An đã vận động Nhi, cô em gái đang học ngành y và luôn nghe theo lời cha, đứng lên đối đầu với chính cha mình và chính quyền để bãi bỏ lệnh cấm mà cô cho là vô nhân đạo.

Bức chân dung không dừng lại ở một vở kịch thông thường mà từ đó gợi mở để những người tham dự bày tỏ suy nghĩ, những khó khăn của mình để cùng bàn luận với chủ đề "Hành trình tìm kiếm bản dạng cá nhân của người trẻ".

Trước khi vở kịch trình chiếu, khán giả được mời tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi theo nhóm. Mỗi người cầm 1 tờ giấy trắng, bóp lại 1 lần duy nhất, nhìn hình dạng và tự cảm nhận nó là gì, có gợi nhớ đến điều gì trong quá khứ. Và trả lời những câu hỏi: Quá khứ là gì?

Nếu có thể thay đổi một điều gì của quá khứ, bạn muốn thay đổi gì? Vì sao bạn muốn đạt được nó? Điều đó có sự ảnh hưởng nào từ gia đình bạn? Điều gì khiến bạn tự hào nhất về bản thân trong quá khứ? Thành tựu lớn nhất bạn hướng tới trong tương lai là gì?...

Những sự "khởi động" đó nhằm tạo một ý niệm để người xem bước vào câu chuyện, để trăn trở cùng An và Nhi khi quyết định không còn là người con nhất nhất nghe theo lời của cha mà có những suy nghĩ, hành động mà họ tin rằng đúng đắn.

Cùng tìm kiếm sự kết nối

Đạo diễn Lê An chia sẻ vở diễn này cô muốn nhấn mạnh câu chuyện về gia đình, người trẻ đứng trước sự lựa chọn, hành động thì mình phải làm gì, phải sống tiếp như thế nào.

Theo thạc sĩ trị liệu nghệ thuật Lê Thị Hương Giang, thuật ngữ "cá biệt hóa bản thân" là hành trình mà tất cả chúng ta đã và đang trải qua. Thông thường chúng ta hay nói là đi tìm và trở thành chính mình, sống với cá tính độc đáo của riêng mình.

"Trong quá trình chúng ta lớn lên phải chịu ảnh hưởng nhiều từ cha mẹ, thầy cô, những người xung quanh. Nếu cha mẹ hiểu đứa bé như một cá thể độc lập, một người độc đáo thì tiến trình cá biệt hóa bản thân nó sẽ khác với đứa trẻ mà ba mẹ bắt nghe lời. Và tiến trình này sẽ có nhiều mâu thuẫn và thách thức" - bà Giang nói.

Tác giả Bảo Dung chia sẻ rất nhiều lần cô muốn sống theo cách của mình mà gia đình và xã hội không đồng ý khiến cô như... chết nửa tâm hồn. Và cô cũng mong muốn tìm cách nào đó vượt qua và làm... sống lại tâm hồn của mình.

Chuyên gia cho rằng khi rơi vào tình trạng đó thì chúng ta rất dễ bị tổn thương. Chúng ta sống trong gia đình, xã hội nên luôn gặp phải mâu thuẫn làm sao giữ được sự kết nối với mọi người nhưng tôi vẫn là chính tôi. Vì trong kết nối, mỗi người sẽ trông đợi bạn theo những cách khác nhau.

Có người sẽ bỏ cái tôi để được kết nối, được đón nhận. Có người sẽ lựa chọn ra đi. Cũng có người như An trong vở kịch lựa chọn bày tỏ chính kiến với cha và ra đi.

Nhưng cô ra đi không phải cắt đứt mà ra đi để trở về. Và trong cuộc đời sẽ rất nhiều lần bạn đối diện với những mâu thuẫn. Khi bạn tìm cách giải quyết mâu thuẫn và vượt qua nỗi đau, bạn dần dần sẽ trưởng thành.

Với tình hình dịch bệnh cả năm qua, Bức chân dung đã được trình diễn, ghi hình nội bộ và đến với khán giả chính thức qua hình thức trình chiếu.

Sau buổi trình chiếu tối 26-2, vở sẽ tiếp tục có một buổi kịch nói và đối thoại cộng đồng theo hình thức trực tuyến vào lúc 15h - 18h ngày 5-3 trên nền tảng Metastream, Google Meet.

Trước đó, tháng 1-2021, ê kíp này từng giới thiệu đến công chúng dự án kịch nói và đối thoại cộng đồng Sơn Ca tại Nhà hát kịch 5B với sự tham gia của các nghệ sĩ Lê Thiện, Hồng Ánh, Lê Vinh, Huỳnh Ly, Phan Hiếu... với mong muốn phản ánh hiện thực, thúc đẩy đối thoại, lắng nghe và tìm giải pháp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo