A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cô gái chết sau tiêm filler nâng ngực: Các cảnh báo của bác sĩ về tiêm filler

Mới đây cô gái 27 tuổi tại Cà Mau sau khi tiêm filler (chất làm đầy) nâng ngực đã bị sùi bọt mép, tím tái rồi qua đời. Tại sao?

Cô gái chết sau tiêm filler nâng ngực: Các cảnh báo của bác sĩ về tiêm filler - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân biến chứng do tiêm filler - Ảnh minh họa: D.LIỄU

Tại sao tiêm filler có thể gây chết người?

Nhiều người cho rằng tiêm filler là phương pháp làm đẹp an toàn, nhanh chóng. Nếu có biến chứng cũng chỉ gây viêm, sưng đỏ... Tuy nhiên theo các chuyên gia, không được phép tiêm filler với số lượng lớn để nâng ngực, độn mông.

Mới đây, cô gái 27 tuổi (Cà Mau) đến một khách sạn ở phường 2, quận 10 (TP.HCM) để tiêm filler nâng ngực. Chỉ sau ít phút khi tiêm filler, cô bất ngờ bị sùi bọt mép, tím tái rồi ngưng tim, ngưng thở. Dù đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu, cô đã không qua khỏi.

Theo bác sĩ Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia, trường hợp cô gái trên có thể do sốc phản vệ, nhưng rất hiếm gặp. Khả năng cao hơn là nạn nhân bị phù phổi cấp, thuyên tắc mạch phổi dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Hải cho hay tiêm filler nâng ngực có thể dẫn đến nhiều biến chứng. "Trường hợp nhẹ có thể gây sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực. Trường hợp nặng nếu tiêm vào mạch máu, động mạch có thể gây tắc mạch và hoại tử mô xung quanh vùng ngực, tuyến vú, núm vú, về sau gây biến dạng vú trầm trọng.

Nếu tiêm vào tĩnh mạch, filler theo về phổi gây thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

Các trường hợp bị sốc phản vệ khá hiếm gặp. Ngoài ra, các nạn nhân có thể bị biến chứng muộn là hoại tử vùng ngực (hoại tử tuyến sữa, mô mềm, da, núm ti), có thể nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong", bác sĩ Hải nêu rõ.

Chất làm đầy không dùng để nâng ngực, độn mông

Theo chuyên gia thẩm mỹ, tiêm filler, nhất là tiêm với lượng lớn để nâng ngực, độn mông, nguy cơ cao dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Hải nói thêm chất làm đầy được cơ thể chuyển hóa và hấp thu từ từ. Cụ thể, silicon dạng tiêm không được FDA chấp thuận cho bất kỳ quy trình thẩm mỹ nào. Tiêm silicon có thể dẫn đến tình trạng đau kéo dài, nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng như sẹo và biến dạng vĩnh viễn, tắc mạch, đột quỵ và tử vong.

Bên cạnh đó FDA cũng cảnh báo silicon dạng tiêm không phải là chất làm đầy da dạng tiêm. FDA đã phê duyệt một số chất làm đầy da dạng tiêm để sử dụng trên mặt (như để làm đẹp môi, má…) và mu bàn tay. FDA cảnh báo không tiêm silicon hoặc chất làm đầy dạng tiêm để nâng ngực, độn mông…

"Tiêm filler, chất làm đầy mang hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai... không phù hợp để độn mông, ngực", bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo chị em khi có nhu cầu thẩm mỹ nên xác định rõ nhu cầu bản thân muốn làm gì, gặp chuyên gia tư vấn (bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ da liễu thẩm mỹ…). Trước khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, cần hỏi tất cả các câu hỏi mình thắc mắc, đặc biệt là nguy cơ biến chứng. Sau đó nên chuẩn bị thời gian, sức khỏe và kinh tế để sẵn sàng cho việc làm đẹp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo