Ứng phó hạn, mặn khi mùa khô sắp vào cao điểm
Sóc Trăng có 72km bờ biển với 3 cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh hằng năm chịu ảnh hưởng do hạn hán, mặn xâm nhập. Mùa khô năm 2025, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ động xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó hạn, mặn xâm nhập, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.
* Chủ động ứng phó
Huyện Cù Lao Dung nằm hạ nguồn sông Hậu với 17km bờ biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập hằng năm. Toàn huyện có 26 cống ngăn mặn cỡ lớn, 200 cống ngăn mặn cỡ nhỏ và trên 80km đê bao, cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng phó mặn xâm nhập.
Ông Huỳnh Thanh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn tuyên truyền hướng dẫn để từng gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động triển khai biện pháp ứng phó mặn xâm nhập. Đồng thời, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo để người dân theo dõi và có giải pháp ứng phó kịp thời.
Theo ông Huỳnh Thanh An, ngành chuyên môn huyện đã khảo sát hệ thống thủy lợi nhằm kịp thời duy tu, sửa chữa công trình bị hư hỏng, xuống cấp, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đang xây dựng, đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Cùng với đó, địa phương kiến nghị UBND tỉnh thực hiện 79 công trình nạo vét, gia cố bọng đập, 1 hạng mục công trình sửa chữa cống, 13 công trình bồi trúc, chống tràn trên đê bao với tổng kinh phí 25 tỷ đồng để ứng phó mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2025.
Tại huyện Long Phú, địa phương nằm tiếp giáp với sông Hậu, cách cửa biển Trần Đề hơn 30km, cuối tháng 12/2024 xuất hiện đợt mặn (độ mặn cao nhất đo được là 4,1‰ tại trung tâm huyện). Ngành chuyên môn đã kịp thời kiểm tra, thông tin để người dân chủ động lấy nước bơm tưới; đồng thời, vận hành các cống, điều tiết nước phục vụ tốt nhu cầu sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, huyện có trên 30 cống ngăn mặn; trong đó, 14 cống cỡ lớn và 16 cống cỡ nhỏ. Năm 2025, để ứng phó mặn xâm nhập, địa phương đã xây dựng các kịch bản; trong đó, theo dõi sát tình hình mặn xâm nhập, xác định cường độ mặn, khu vực bị ảnh hưởng, từ đó có giải pháp ứng phó hiệu quả để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân.
Ngành chuyên môn khuyến cáo đối với những khu vực hằng năm bị ảnh hưởng nước mặn xâm nhập không có nước ngọt sản xuất, nông dân không nên sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn (vụ 3) mà nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tránh thiệt hại trong sản xuất, thích ứng tốt với mặn xâm nhập vào mùa khô năm 2025.
* Dự báo và giải pháp ứng phó
Ông Đỗ Huy Lập, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ tháng 1-4/2025 là giai đoạn cao điểm của mùa khô. Dự báo độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại huyện Trần Đề từ 23,8 - 25,8‰, tại trung tâm huyện Long Phú từ 19,7 - 21,7‰, tại Đại Ngãi (huyện Long Phú) từ 9,9 -11,9‰, tại An Lạc Tây (huyện Kế Sách) từ 5,2- 7,2‰. Trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận (huyện Trần Đề) từ 20,6 - 22,6‰, tại Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) từ 7,7 - 9,7‰...
Độ mặn cao nhất tại các trạm trên sông Hậu có khả năng xuất hiện từ tháng 2 - 3/2025, duy trì dài ngày do thiếu hụt nước ngọt từ thượng nguồn (sông Mê Kông). Các trạm trên sông Mỹ Thanh và trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp có khả năng xuất hiện muộn hơn hằng năm khoảng 30 ngày và độ mặn ở mức cao hơn so trung bình nhiều năm.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin, trước tình hình diễn biến mặn xâm nhập mùa khô năm 2025, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn rà soát các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn để kịp thời duy tu, sửa chữa, gia cố các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét hệ thống kênh mương... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi theo kế hoạch năm 2025 và những năm tiếp theo để đưa vào vận hành khai thác kịp thời ngăn mặn trữ ngọt. Ngành chuyên môn có kế hoạch điều hòa, phân phối nguồn nước ngọt hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp) vào mùa khô năm 2025.
Ngành chuyên môn chủ động, sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện để ứng phó khi có hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ". Hiện, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và kịch bản phòng, chống xâm nhập mặn phù hợp, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất và dân sinh./.
Tuấn Phi