Lỗ thủng tầng ozone lớn bất thường, gần bằng diện tích Nga và Trung Quốc cộng lại
Điều gì khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực rộng ra và tại sao nó lại lớn hơn bình thường vào thời điểm này trong năm?
Euronews trích lời các nhà khoa học khí hậu cho biết, lỗ thủng tầng ozone ở Nam bán cầu lớn bất thường, vào thời điểm mà nó thường giảm dần cho đến khi đóng hoàn toàn (thường là vào tháng 12 hàng năm).
Thông thường, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực bắt đầu hình thành vào giữa tháng 8 và thu hẹp lại vào tháng 11, 12 hàng năm.
Sự gia tăng kích thước trước đó đã khiến lỗ thủng tầng ozone trở thành lỗ thủng lớn thứ 6 trong kỷ nguyên vệ tinh trong hơn 4 thập kỷ (kể từ năm 1979) với tổng diện tích là 25,12 triệu km2 tính đến giữa tháng 9/2023, Euronews cho biết.
Diện tích này gần bằng diện tích của Liên Bang Nga (17.075.400 km2) và Trung Quốc (9.597.000 km2) cộng lại.
Tin tức đáng báo động này đến từ Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU), cơ quan đang theo dõi chặt chẽ lỗ thủng khổng lồ này.
Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực thay đổi thế nào vào năm 2023?
Thông thường, lỗ thủng tầng ozone mở rộng vào mùa xuân phương Nam, khi các chất làm suy giảm tầng ozone bắt đầu tập trung ở tầng bình lưu ở Nam Cực. Cùng với bức xạ Mặt trời, nhiệt độ cực lạnh và các đám mây ở tầng bình lưu vùng cực, tất cả điều này gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng nồng độ ozone trong tầng bình lưu.
CAMS lưu ý rằng mặc dù lỗ thủng tầng ozone giảm như thường lệ cho đến đầu tháng 10/2023 nhưng nó lại tăng trở lại vào cuối tháng. Cơ quan của Liên minh Châu Âu dự đoán, lỗ thủng tiếp tục duy trì đến tháng 12.
Tại sao lỗ thủng tầng ozone mất nhiều thời gian hơn để đóng lại?
Mặc dù lỗ thủng tầng ozone năm 2023 đã tăng giảm theo một cách đặc biệt, nhưng thời gian tồn tại bất thường là một phần của xu hướng gần đây.
Kể từ năm 2020, các lỗ thủng tầng ozone đóng lại muộn hơn nhiều so với trước đây, vào khoảng giữa đến cuối tháng 12.
CAMS cho biết điều này là do nhiệt độ tầng bình lưu lạnh hơn mức trung bình và một cơn lốc cực mạnh – những cơn gió dữ dội lưu thông trên cao trong bầu khí quyển ở Nam Cực – kéo dài cho đến tháng 12.
Lý do cho cơn lốc cực mạnh hơn đó vẫn còn là điều bí ẩn. Một số nguyên nhân tiềm năng đã được CAMS xác định, bao gồm hơi nước do núi lửa Hunga-Tonga ở Nam Thái Bình Dương thải vào khí quyển; sự thay đổi kiểu gió ở Nam bán cầu; và biến đổi khí hậu.
Giám đốc CAMS Vincent-Henri Peuch cho biết: "Kể từ khi ký kết Nghị định thư Montreal, chúng tôi đã giảm đáng kể lượng phát thải các chất làm suy giảm tầng ozone, tạo không gian cho bầu khí quyển để bắt đầu quá trình phục hồi.
Đây là một quá trình lâu dài bao gồm nhiều yếu tố dao động cần được theo dõi để hiểu đúng về tầng ozone đang phát triển như thế nào. Sự thành công của Nghị định thư Montreal là minh chứng cho thấy các hành động bảo vệ khí hậu toàn cầu có thể hiệu quả như thế nào."
Tại sao tầng ozone rất quan trọng?
Tầng ozone của Trái đất bảo vệ tất cả chúng ta khỏi bức xạ có hại của Mặt trời. Việc nhận ra rằng một số hóa chất đang làm loãng nó đã dẫn đến sự can thiệp quốc tế lớn vào năm 1987.
Nghị định thư Montreal - được ký kết chỉ 7 năm sau khi vấn đề được phát hiện - là một ví dụ hiếm hoi về sự đồng thuận toàn cầu nhanh chóng để bảo vệ hành tinh.
Hiệp ước đã giảm dần các loại hóa chất nhân tạo làm suy giảm các phân tử ozone trong khí quyển. Nhưng trong 3 năm qua, tầng ozone cũng khép lại muộn hơn nhiều so với bình thường. Theo CAMS, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hiện tượng này.