Quảng Ninh chăm lo Tết cho người dân
Với phương châm “không để sót đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau; đảm bảo mọi nhà, mọi người được vui Xuân, đón Tết”... tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực để người dân đón Tết cổ truyền đủ đầy, yên vui.
Bám sát Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; huy động sự tham gia của toàn xã hội chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, người lao động mất việc làm...
Điển hình, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 527 nhà ở với mức hỗ trợ 80 triệu đồng 1 nhà xây mới và 40 triệu đồng 1 nhà sửa chữa.
Ngoài ra, với trên 3,3 tỷ đồng huy động nguồn lực xã hội và trích từ “Quỹ Vì người nghèo”, trong năm 2023, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, người già yếu, có hoàn cảnh khó khăn trong việc khám, chữa bệnh và phát triển sản xuất...
Những ngày này, khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đang đẩy mạnh vận động và triển khai nhiều chương trình với mong muốn mang một cái Tết trọn vẹn đến những hoàn cảnh khó khăn.
Ở các địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đã tập trung rà soát, triển khai nhiều chương trình chăm lo Tết cho người nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách, người có công...
Các cấp Hội Chữ thập đỏ toàn tỉnh đã phát động triển khai phong trào “Tết nhân ái - Xuân Giáp Thìn 2024” với nhiều hoạt động như trao quà Tết, hỗ trợ đột xuất… cho những hộ khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vân Đồn ủng hộ phong trào "Tết nhân ái" - Xuân Giáp Thìn năm 2024. Ảnh: TTTT |
Cùng với đó, công đoàn các cấp trong tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động với phương châm: “Tất cả người lao động đều có Tết”; trong đó, có nhiều chương trình như: “Tết sum vầy - Xuân gắn kết", “Tặng quà - vui Tết”; “Chợ Tết nhân ái”, “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”, “Cỗ Tết”…
Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, ngành Than cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, đảm bảo tiền lương, thưởng Tết cho công nhân lao động.
Theo thông tin từ Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), chương trình “Tết Thợ mỏ năm 2024” được tổ chức tại 6 vùng. Trên địa bàn Quảng Ninh sẽ tổ chức tại 3 vùng: Cẩm Phả; Hạ Long; Uông Bí - Đông Triều. 3 vùng còn lại tại các tỉnh: Thái Nguyên, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Chương trình “Tết Thợ mỏ năm 2024” có nhiều hoạt động ý nghĩa, như tặng quà Tết, hỗ trợ cho 3.000 người lao động (tiền mặt 2 triệu đồng/người và quà 500.000 đồng/túi); thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết người lao động có thành tích đặc biệt xuất sắc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công đoàn TKV cũng sẽ hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê ăn Tết thuộc các đơn vị khối lộ thiên, khoáng sản, cơ khí, sàng tuyển, phục vụ, dịch vụ; trao “Mái ấm Công đoàn 2024” cho công nhân lao động tại các địa điểm do TKV tổ chức “Tết Thợ mỏ năm 2024”; hỗ trợ tiền Tết cho một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cho biết, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Quảng Ninh dự kiến tặng khoảng 210.000 suất quà, trợ cấp cho người có công với cách mạng và thân nhân, đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng cần thiết khác; tăng hơn 7.000 suất so với năm 2023.
Tổng kinh phí thực hiện hơn 110 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, tăng hơn 3,6 tỷ đồng so với năm 2023. Dự kiến việc tặng quà sẽ hoàn thành trước ngày 31/1/2024 theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Tính đến nay, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp trong toàn tỉnh có kế hoạch dự kiến thưởng Tết cho khoảng 141.000 người lao động; mức thưởng bình quân dự kiến khoảng 8,9 triệu đồng/người.
Ngoài ra, nhiều tổ chức, đơn vị, địa phương cũng sẽ tổ chức chương trình thăm hỏi, động viên, tặng quà, chăm lo Tết cho nhân dân như: Chợ Tết Công đoàn; Tết sum vầy; Chợ Tết 0 đồng; bố trí xe đưa, đón hoặc hỗ trợ tiền tàu, xe cho người lao động về quê ăn Tết và quay trở lại làm việc...
Đến thời điểm này, với sự chung tay của các tổ chức, đơn vị, địa phương, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục nỗ lực, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Qua đó, đảm bảo “không để ai bỏ lại phía sau, không để cho một ai không có Tết” theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.