Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc: Nhiều đối tượng dùng vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết từ cuối năm 2022 trở về đây, tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước đại dịch COVID-19
Sáng 18-12, nêu ý kiến tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết không phải bây giờ Bộ Công an mới nghiên cứu.
Thực tế, trong 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, hàng năm Bộ Công an đều có tổng hợp và kiến nghị về những sơ hở, bất cập trong quá trình áp dụng luật mà các đối tượng lợi dụng, nhất là trong hoạt động không gian mạng và sau với đại dịch COVID-19 vừa qua.
Vì vậy, việc nghiên cứu được phân tích kỹ theo các nhóm hành vi phạm tội. "Ví dụ, từ cuối năm 2022 trở về đây, tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra ở nước ta và các nước trên thế giới" - Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.
Dùng vũ khí là dao gây án chiếm 58% vụ việc
Như vậy, hoạt động phạm tội có thể là tức thì của các đối tượng, nhưng rất manh động. Bên cạnh đó, dùng vũ khí là dao gây án chiếm 58% vụ việc và 54% đối tượng trong tổng số vụ việc, đối tượng. "Từ đó, có thể thấy rõ tính chất phức tạp" - Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết quá trình thực hiện đã cử cán bộ đi nghiên cứu, đọc tài liệu một số nước đã đề cập đến sử dụng hung khí dao để phạm tội và thực tế như đã chứng kiến vừa qua.
Do đó, việc nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến để phối hợp với các cơ quan giải trình cụ thể, căn cơ, để thấy nếu chậm triển khai đề xuất sửa đổi ngày nào thì tội phạm còn tiếp tục xảy ra theo nhóm mà Bộ Công an đề xuất ngày đó.
Quan điểm của Bộ Công an là sẽ hoàn thiện sớm, tiếp thu đầy đủ ý kiến và xin báo cáo Quốc hội về dự luật này tại kỳ họp thứ 7.
Bổ sung 4 dự luật vào chương trình 2024
Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Về tiến độ trình Quốc hội, UBTVQH thống nhất, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như Chính phủ đề nghị.
Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Trong quá trình chuẩn bị, nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, thì UBTVQH sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại 1 kỳ họp.