Xuất khẩu gỗ tăng trưởng, doanh nghiệp có hưởng lợi?
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành biến xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực ngay những tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, bài toán đặt ra trong thời gian tới vẫn là làm sao thích nghi với tình hình mới, có đơn hàng, duy trì nhà máy tồn tại, phát triển.
Những gam màu tích cực
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong tháng 5, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,25 tỷ USD, giảm 8% so với tháng 4, nhưng tăng 18% so với tháng 5/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 812 triệu USD, giảm 13,5% so với tháng 4, nhưng tăng 5,9% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,16 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng tồn kho tại các thị trường đã vơi dần, đơn hàng đã có tới cuối năm... là những tín hiệu sáng trong giai đoạn đầu năm. Điều này cũng được thể hiện trong kết quả kinh doanh quý I vừa qua.
Theo thống kê của phóng viên, trong số 13 doanh nghiệp gỗ trên sàn, có 8 đơn vị tăng trưởng lãi, 3 giảm lãi và 2 tiếp tục lỗ trong quý I/2024. Tổng doanh thu đạt hơn 3.800 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023 song lãi ròng lại tăng mạnh 46%, lên gần 310 tỷ đồng.
Phú Tài (mã: PTB) đứng đầu doanh thu quý I với 1.437 tỷ đồng, trong đó 903 tỷ đồng từ việc bán các sản phẩm gỗ, chiếm 64% tổng doanh thu và tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng tiêu thụ gỗ tăng.
Tuy nhiên, kết quả này không chỉ đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, vì doanh thu và lợi nhuận gộp chỉ tăng trưởng nhẹ.
Nguyên nhân lớn hơn đến từ khoản lãi từ hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu tài chính tăng mạnh lên 13 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm về gần 25 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay giảm. Tính chung, phần lãi từ hoạt động tài chính tăng thêm hơn 20 tỷ đồng so với cùng kỳ, tức chiếm phần lớn mức tăng trưởng lợi nhuận tuyệt đối của quý I.
Gỗ An Cường (mã: ACG) đứng đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận quý I với 124%, đạt hơn 81 tỷ đồng. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 về các mảng kinh doanh hiện tại, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Nghĩa cho biết mảng dự án gần như đứng lại và chưa có dấu hiệu khởi sắc. “An Cường đã mất 1/3 doanh thu và lợi nhuận vì mảng này”, ông nói.
Hiện An Cường đang đẩy mạnh mảng xuất khẩu và bán lẻ. Ông Nghĩa cho biết đơn hàng xuất khẩu đang rất tốt vì thị trường Mỹ hồi phục trở lại.
Trong quý I, xuất khẩu của An Cường đã tăng 30-40% so với cùng kỳ. “Các nhà máy xuất khẩu hoạt động 110% công suất, thậm chí công ty còn phải gia công thêm ở bên ngoài”, ông Nghĩa cho biết. “Tôi kỳ vọng mảng xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi trong năm 2025”.
Cùng trong bối cảnh sáng, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã: VIF) cũng ghi nhận lãi ròng tăng tới gần 19%, lên 117 tỷ đồng, cũng là mức lãi cao nhất 6 quý trở lại đây, kể từ quý IV/2022.
Xét từng mảng kinh doanh chính, doanh thu bán gỗ nguyên liệu, thành phẩm đạt gần 228 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu, nhưng thấp hơn 31% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp mảng này cải thiện 2 điểm phần trăm, lên gần 9%, giúp nới rộng biên lãi gộp toàn công ty lên 18,5%.
Vinafor cho biết, lợi nhuận tăng do một số công ty có vốn góp của Tổng công ty có lợi nhuận khai thác sản phẩm tốt hơn cùng kỳ và tiết giảm chi phí hoạt động cũng như chưa triển khai một số chi phí theo kế hoạch.
Cùng với quỹ đạo tăng trưởng, Chế biến Gỗ Đức Thành (mã: GDT) ghi nhận doanh thu gần 70 tỷ, tăng 9% so với quý I/2023. Biên lợi nhuận gộp với mức 32,6%, trong khi quý I/2023 chỉ đạt 26,6%. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt hơn 9,5 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết nguyên nhân giúp doanh thu biến động so với cùng kỳ là do tiêu dùng ở Mỹ và Châu Âu đang có tín hiệu phục hồi. Lượng tồn kho của khách sau thời gian dài không đặt hàng không còn nhiều.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng là do Công ty không giảm giá bán hàng nữa. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện dồn 2 nhà máy lại thành 1 nên ngoài việc tiết kiệm các chi phí quản lý, nhân sự, vận chuyển…công ty còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng đã dời đi.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, điều bà "tâm đắc" nhất là mới đây, Gỗ Đức Thành đã tận dụng lãi suất tiền vay thấp để đầu tư mua thêm nhà máy 6 tại TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nhà máy này mới xây dựng hơn 1 năm, có giấy tờ pháp lý đầy đủ, đang có hợp đồng cho thuê dài hạn, khách thuê có tên tuổi, nguồn thu ổn định (khoảng 15 tỷ đồng/năm) và tăng giá thuê tối đa 10%/năm.
Cũng theo bà Liễu, tính tới thời điểm này, đơn hàng của công ty đã kín tới cuối tháng 8. Nếu trước đây Gỗ Đức Thành nhận mọi đơn hàng thì giờ là lúc chọn lọc đơn hàng, chỉ làm những đơn hàng tốt, có biên lợi nhuận cao.
Những gam màu xám
Nhưng bức tranh sáng không bao trùm lên toàn ngành, vẫn có những doanh nghiệp có sự suy giảm về doanh thu hay lợi nhuận.
Điển hình như tại Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã: TTF), doanh thu quý I giảm 2% xuống còn hơn 323 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp tạo ra chỉ 42 tỷ đồng, thấp hơn tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lên tới gần 63 tỷ. Doanh nghiệp này đã thoát lỗ chủ yếu nhờ giảm chi phí tài chính.
Cụ thể, công ty được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Buôn Ma Thuột thông báo xoá nợ đối với các khoản lãi phạt phát sinh liên quan đến lãi chậm nộp chưa thanh toán, giúp công ty hoàn nhập chi phí tài chính. Sau cùng, lãi ròng của TTF đạt hơn 4 tỷ đồng, tăng 63%.
Trước đó, Gỗ Trường Thành trải qua năm kinh doanh 2023 đầy tiêu cực khi chuyển từ lãi ròng 11 tỷ đồng trong báo cáo tự lập sang lỗ 134 tỷ đồng sau kiểm toán, qua đó nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 3.230 tỷ đồng và giảm còn hơn 3.226 tỷ đồng tại cuối quý I.
Gỗ MDF VRG - Quảng Trị (mã: MDF) và Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (mã: NHT) vẫn chưa thể tìm được lối thoát tiếp tục thua lỗ gần 11 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Riêng MDF đánh dấu 3 quý liên tiếp thua lỗ và nâng lỗ lũy kế tới cuối quý I năm nay vượt 34 tỷ đồng.
Hay tại BKG Việt Nam (mã: BKG), Pisico Bình Định (mã: PIS) và Chế biến gỗ Thuận An (mã: GTA), mức lợi nhuận giảm từ 8-50%, chủ yếu do chi phí tăng cao.
Chia sẻ thêm với phóng viên Doanh nhân Việt Nam về triển vọng của ngành gỗ và lâm sản trong năm nay, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đánh giá: “Đầu tiên là dù sao thì doanh nghiệp Việt cũng đã khẳng định được vị thế trên thị trường toàn cầu đối với sản phẩm gỗ. Nước ta cũng đã trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu lớn của thế giới, khoảng top 5, top 6. Sản phẩm gỗ Việt cũng đã bắt đầu chiếm được lòng tin của khách hàng, đặc biệt là khách hàng Mỹ về giá cả, chất lượng.
Khi đã đạt được vị thế như thế thì mình cũng không nên bỏ lỡ. Bởi dù sao đối với người Việt thì gỗ cũng là một ngành công nghiệp có những lợi thế và phù hợp. Bằng chứng là liên tục tăng trưởng trong nhiều năm, Chỉ có vài năm gần đây là dịch bệnh, thị trường thế giới biến động… tác động, trên thực tế là vẫn tăng và tăng rất nhanh. Mình cũng không giấu diếm tham vọng có thể về đích sớm với tổng kim ngạch đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng trước sự biến động của các nền kinh tế, mình cũng phải thay đổi”.
Mình cũng có đội ngũ doanh nhân được tôi luyện, ra khơi và bươn chải sóng gió. Do đó về lâu dài ngành gỗ vẫn có thể cưỡi lên đầu những con sóng của thời đại mà đi. Nhưng đi bằng cách nào, cũng sẽ có lúc phải dừng lại. Giống như người leo núi khi đến một điểm cao nào đó cũng phải ngoảnh lại phía sau lưng, lấy sức đi tiếp.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam
Yếu tố tiếp theo đại diện VIFOREST nhắc đến là nhu cầu gỗ của thế giới. Theo ông, nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ cả trước mắt và lâu dài vẫn sẽ tăng. Bởi người ta coi gỗ là sản phẩm thân thiện với môi trường. Nếu khai thác và trồng rừng bền vững thì nó không gây phát thải và thậm chí là một lĩnh vực giảm phát thải đáng kể. Ví dụ như thay cho than đá thì dùng viên nén năng lượng sinh khối. Người ta cũng khuyến khích dùng gỗ nhiều thay cho nhà bê tông. Theo tính toán từ thế giới, dùng 1 khối gỗ làm nhà cửa thay cho bê tông có thể giảm phát thải 1 tấn CO2
“Công nghiệp gỗ vẫn là một ngành kinh tế mũi nhọn. Chính phủ xác định, doanh nghiệp cũng đồng viên nhau. Còn đã kinh doanh thì sẽ có lúc này lúc kia, nhưng đã là doanh nhân mà dễ làm khó bỏ thì không được. Cho nên vẫn phải kiên cường, nghe ngóng, chờ thời và có điều chỉnh hợp lý”, ông Hoài nhận định.