A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thỏa thuận thuế quan Việt - Mỹ: Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp đánh giá thỏa thuận thuế quan Việt Nam - Mỹ là tín hiệu tích cực, giúp giảm áp lực chi phí, nhưng nhấn mạnh yêu cầu nâng xuất xứ, minh bạch chuỗi cung ứng và tăng nội địa hóa để giữ thị phần tại Mỹ.

 

Doanh nghiệp kỳ vọng giảm áp lực chi phí từ thỏa thuận thuế Việt - Mỹ. Ảnh: C.V

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump về kết quả đàm phán thuế quan mới đây đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Hưng nhận định, những thông tin ban đầu mà Tổng thống Donald Trump công bố trên mạng xã hội chưa tác động ngay lập tức đến thị trường. Chỉ khi có quy định cụ thể, mới có thể đánh giá chính xác ảnh hưởng đến từng loại hàng hóa.

“Ví dụ, nếu mức thuế dành cho nông sản giảm mạnh so với lo ngại trước đây, thay vì 46% như một số dự báo, thì đây thực sự là tin vui với mặt hàng chiến lược này”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý, ngay cả khi thuế suất giảm còn 10-20% (so với mức 0-5% trước đó), doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chủ động điều chỉnh cơ cấu giá thành để duy trì sức cạnh tranh.

“Nếu có sự chia sẻ từ các bên trong chuỗi cung ứng, thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ cần giảm giá khoảng 5% để giữ được sức hấp dẫn với người mua”, ông Hưng tính toán.

Theo ông Hưng, ngay sau khi có thông tin về thuế quan mới, doanh nghiệp của ông đã chủ động chuẩn bị các kịch bản đàm phán và phương án cơ cấu lại tổ chức sản xuất, nhằm tối ưu giá thành và chất lượng sản phẩm. Mục tiêu là để khách hàng vẫn yên tâm mua hàng ổn định với số lượng như trước khi bị áp thuế.

Đánh giá về bối cảnh chung, ông Hưng cho rằng nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy đàm phán là rất đáng ghi nhận, góp phần duy trì đà tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế.

“Phần còn lại phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp trong việc giữ vững thị trường. Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, sức tiêu thụ rất cao nhưng lại hạn chế sản xuất hàng thiết yếu, do đó nhập khẩu là nguồn cung chủ lực cho tiêu dùng nội địa”, ông phân tích.

Ông Hưng nhấn mạnh, kết quả đàm phán lạc quan không chỉ có lợi cho xuất khẩu Việt Nam mà còn giúp người tiêu dùng Mỹ không phải chịu mức giá quá cao do tác động của chính sách thuế. Điều quan trọng lúc này là chờ đợi bản thỏa thuận chi tiết, xác định rõ các mặt hàng và mức thuế cụ thể.

“Nhà nước cần sớm công bố minh bạch các cơ chế giám sát xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam, tạo niềm tin cho đối tác và bảo đảm lợi ích lâu dài”, ông Hưng đề nghị.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Xúc tiến Xuất khẩu Vietgo, cho rằng thỏa thuận thuế quan Việt Nam – Mỹ cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong vai trò nhập khẩu và phân phối hàng Mỹ, mà còn là mắt xích trung gian trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy ngành logistics, thương mại tái xuất, và công nghiệp phụ trợ trong nước.

Thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mở ra một hành lang thương mại mới, mà còn là lời khẳng định vị thế chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

“Bằng sự nhạy bén, linh hoạt và chủ động, Việt Nam đang biến thách thức thành cơ hội, biến thế bị động thành chủ động, và biến sự điều chỉnh địa chính trị toàn cầu thành bàn đạp để chuyển mình trở thành trung tâm sản xuất, thương mại, logistics của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Việt nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ mang lại nhiều tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Trước tiên, thỏa thuận thuế quan mới giúp giảm ngay nguy cơ bị Mỹ áp dụng mức thuế cao đột ngột, có thể lên tới 20% - 46% đối với một số nhóm hàng trọng điểm. Nếu không đạt được thỏa thuận, nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử lắp ráp… sẽ mất lợi thế cạnh tranh nghiêm trọng tại thị trường Mỹ, nơi chiếm hơn 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc duy trì được mức thuế thấp hơn giúp bảo vệ thị phần hiện có, giữ ổn định các đơn hàng đã ký kết và giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ nữa, đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước rà soát lại nguồn nguyên liệu, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hoặc tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các quốc gia không bị áp thuế cao. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn hóa hệ thống chứng từ, khai báo hải quan và quy trình logistics nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại.

Quan trọng hơn, thỏa thuận lần này khẳng định vị thế ngày càng rõ nét của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và thương mại ngày càng phức tạp, việc đạt được một thỏa thuận mang tính song phương với Mỹ thể hiện năng lực điều hành kinh tế linh hoạt và khả năng đàm phán hiệu quả của Việt Nam. Điều này tạo thêm niềm tin cho các tập đoàn đa quốc gia khi lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư sản xuất, đồng thời mở ra dư địa phát triển mới cho các ngành logistics, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ tái xuất và trung chuyển hàng hóa khu vực.

Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả cơ hội này, doanh nghiệp phải nhanh chóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, minh bạch hóa hoạt động và đẩy mạnh nội địa hóa, nếu không muốn đánh mất lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Giảng Võ, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo