Một quý kinh doanh của Vietcombank hiệu quả hơn nhiều so với lợi nhuận cả năm của các ngân hàng lớn khác
Lợi nhuận quý IV/2022 của Vietcombank còn cao hơn nhiều tổng lãi cả năm của một số ngân hàng tư nhân lớn như Sacombank (6.339 tỷ đồng), TPBank (7.828 tỷ đồng), SHB (9.658 tỷ đồng), HDBank (10.286 tỷ đồng), VIB (10.581 tỷ đồng).
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 12.419 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ 2021.
Đây là mức lãi kỷ lục trong một quý của Vietcombank và đóng góp 1/3 tổng lợi nhuận cả năm. Mức lãi này cũng vượt qua lợi nhuận cả năm của một số ngân hàng tư nhân lớn như Sacombank (6.339 tỷ đồng), TPBank (7.828 tỷ đồng), SHB (9.658 tỷ đồng), HDBank (10.286 tỷ đồng), VIB (10.581 tỷ đồng).
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh, thu nhập lãi thuần tăng 38,8% lên 14.809 tỷ đồng và đóng góp 79,4% tổng doanh thu của Vietcombank trong quý IV. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ 1,3%, mang về cho ngân hàng 1.188 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng 3,9% lên hơn 32 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư giảm lỗ từ mức 85 tỷ đồng trong quý IV/2021 xuống còn 2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,4% xuống mức 2.331 tỷ đồng; lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác giảm 47,4% còn 300 tỷ đồng; lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 79,5% xuống còn 4 tỷ.
Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của Vietcombank trong quý IV đạt 18.662 tỷ, tăng 26,2% so với cùng kỳ 2021. Sau khi trừ chi phí hoạt động 4.565 tỷ (tăng 45%), ngân hàng lãi thuần gần 14.100 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2021.
Lãi thuần cao hơn 2.458 tỷ, cùng với chi phí dự phòng giảm hơn một nửa (1.787 tỷ) là hai động lực giúp lợi nhuận quý IV Vietcombank cao gấp rưỡi cùng kỳ 2021.
Với kết quả tích cực trên, lợi nhuận lũy kế cả năm Vietcombank đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ) và BIDV (23.058 tỷ đồng).
Trong năm 2022, tổng tài sản tăng 28,2% vượt 1,814 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 19,8% đạt hơn 1,12 triệu tỷ.
Tiền gửi khách hàng tăng 9,5% lên trên 1,243 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 32,3% với gần 402.104 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ, tăng 27,6% so với hồi đầu năm. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,65% lên 0,7%.
Nợ xấu tăng trong khi dự phòng rủi ro giảm 961 tỷ đồng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức kỷ lục 421% xuống còn 317% tại thời điểm 31/12/2022.
Lợi nhuận Vietcombank sẽ vượt 40.000 tỷ trong năm 2023?
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiếu 12% so với năm 2022. Nếu kế hoạch năm 2023 đạt được thì Vietcombank sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận lên trên 40 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều hành theo giới hạn tín dụng NHNN giao, dự kiến tăng 12,8%; Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tỷ lệ LDR không cao hơn mức thực hiện năm 2022; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức dưới 1,5%; NIM không thấp hơn 3,24%...
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Vietcombank là ngân hàng sẽ ít phải đối mặt về áp lực trích lập dự phòng nhờ vào chính sách thận trọng trong nhiều năm qua. Bộ đệm dự phòng hàng đầu ngành sẽ đảm bảo ngân hàng khỏi mọi sự gián đoạn bao gồm rủi ro sự kiện và rủi ro tín dụng, vốn có thể tác động khó lường đến lợi nhuận.
Ngoài ra, Vietcombank cũng ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc rủi; do đó, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2023. Nói chung, VDSC đánh giá bảng cân đối lành mạnh, và bộ đệm dự phòng vững chắc của Vietcombank.
VDSC cho rằng lợi thế cạnh tranh này đóng vai trò then chốt để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023. Ngân hàng có thể tận dụng bộ đệm dự phòng dày để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận theo kế hoạch dù cho những rủi ro bất định phía trước.
Mặt khác, danh tiếng hàng đầu, mạng lưới rộng khắp và tệp khách hàng chất lượng giúp củng cố và nâng cao lợi thế về nền tảng huy động và thúc đẩy thu nhập ngoài lãi.
Vietcombank được NHNN chỉ định là ngân hàng duy nhất thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch Visa nội địa. Hệ thống thanh toán đa tiền tệ (VCB-Money) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thanh toán chung. Đó là những trụ cột vững chắc cho phép ngân hàng này nhận được nguồn vốn với chi phí thấp từ khách hàng và các định chế tài chính bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Điều này cũng hỗ trợ tăng trưởng doanh thu ngoại hối.
Bên cạnh đó, Vietcombank đã cải thiện tỷ lệ CASA qua từng quý kể từ khi Ngân hàng triển khai chương trình miễn phí dịch vụ vào đầu năm nay. Cơ sở huy động lớn và ổn định này tạo ra chi phí vốn thấp nhất ngành giúp ngân hàng thu hút được các khách hàng chất lượng thông qua lãi suất cho vay cạnh tranh và mạng lưới rộng lớn.
VDSC cũng kỳ vọng Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao so với ngành nhờ (1) Bảng cân đối lành mạnh và bộ đệm dự phòng rủi ro vững chắc nhất, (2) Hỗ trợ NHNN trong chương trình chuyển giao ngân hàng yếu kém và giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong năm 2022.