Loạt doanh nghiệp dệt may trả thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng cho người lao động
Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức các chương trình chăm lo Tết cho người lao động phù hợp với điều kiện hiện nay
Ngày 27-12, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Theo Công đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2022, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát song 6 tháng cuối năm nền kinh tế trong đó có ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành vẫn ước đạt 44 đến 44,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Trong năm qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động đổi mới, linh hoạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa trên mọi mặt công tác.
Công đoàn Dệt may Việt Nam tổng kết công tác công đoàn năm 2022
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết trong năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, song với vai trò của mình, công đoàn đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa; đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn.
Theo bà Tâm, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức các chương trình như chăm lo Tết cho người lao động phù hợp với điều kiện dịch bệnh; tổ chức hiệu quả Tháng công nhân - Tháng An toàn vệ sinh lao động với chủ đề "Công nhân Dệt may tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng".
Nhiều hoạt động thiết thực được tiến hành như phát động thi đua phục hồi sản xuất sau dịch bệnh; tổ chức diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân", chương trình "Cảm ơn thành viên", đối thoại tại nơi làm việc; tặng quà cho 4.385 công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; xây, sửa 10 mái ấm công đoàn, trang bị các thiết chế cơ sở; triển khai có hiệu quả Chương trình "1 triệu sáng kiến" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tính trung bình trên toàn hệ thống của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt 9,69 triệu/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá cao tinh thần sáng tạo, linh hoạt và quyết tâm đổi mới trong hoạt động của Công đoàn Dệt may Việt Nam, nhất là công tác chăm lo cho người lao động, cũng như việc tận dụng tối đa công nghệ thông tin để tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với công đoàn cơ sở và đoàn viên, người lao động.
Năm 2023, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị Công đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục tìm giải pháp phong phú để phối hợp với chuyên môn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp hiệu quả, chăm lo hỗ trợ việc làm, thu nhập, giữ chân người lao động trong bối cảnh khó khăn.
Cũng tại tại hội nghị, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức trao giải Doanh nghiệp vì Người lao động lần thứ IV – năm 2022 cho 15 doanh nghiệp. Trong đó, Tổng Công ty May Hưng Yên được trao giải khi thu nhập bình quân của người lao động tại doanh nghiệp này là 10 triệu đồng/người/tháng; có trường mầm non miễn phí cho con cán bộ công nhân viên; thực hiện tốt phong trào lao động sáng tạo và các hoạt động văn thể mỹ.
Công ty CP Dệt May - Đầu tư - Thương Mại Thành Công cũng đạt danh hiệu doanh nghiệp vì người lao động cấp quốc gia và được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Thu nhập bình quân tại doanh nghiệp này là 11,4 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp đã duy trì tốt các thiết chế cơ sở, mang đến cơ hội thụ hưởng cho toàn bộ người lao động như lớp học ngoại ngữ, phòng tập thể dục, quán cà phê...
Bên cạnh đó, Tổng Công ty CP Phong Phú cũng có mức thu nhập trung bình 11,5 triệu đồng/tháng cho người lao động; Tổng Công ty May Nhà Bè có mức thu nhập trung bình 11,1 triệu đồng/tháng...