Gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp
Khó về dòng tiền là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh bên lề Đại hội đại biểu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.
Gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp
Đại hội vừa được tổ chức ngày 14/5, là nơi để các doanh nghiệp kết nối, cùng tìm hướng tháo gỡ những nút thắt, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hơn 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tới tham dự sự kiện để cùng tìm hướng đi. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến việc tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm. Vì vậy, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị nghẽn lại, không ít nợ đọng từ các đơn hàng.
"Hiện sức mua của thị trường đã giảm từ 50 - 60% so với lúc trước. Việc mua vào, bán ra ảnh hưởng nhiều, sức mua của thị trường đang rất yếu", ông Đỗ Trọng Thành, Chủ tịch Công ty TF1 Auto, chia sẻ.
Hiện hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực vốn, khó về tài sản đảm bảo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Có rất nhiều đơn hàng của các nhóm ngành nghề sụt giảm, như dệt may, da giày, xi măng, sắt thép... Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh bối cảnh chung tạo nên khó khăn chưa bao giờ có, nên họ đều gặp khó về vốn và dòng tiền, đặc biệt là vốn lưu động, các khoản đầu tư cho trung, dài hạn", ông Nguyễn Xuân Thống, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, thông tin.
Các doanh nghiệp cũng phản ánh, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất, tuy nhiên việc triển khai ở các ngân hàng vẫn còn rào cản. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận, hoặc những doanh nghiệp có khả năng vay lại e ngại vì khả năng chi trả lãi suất cao.
"Giảm ở đây phải có ý nghĩa, 2 - 4% dựa trên kết quả kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân hàng huy động cao nên phải cho vay cao, nhưng tôi nghĩ các ngân hàng nên tính toán lại để hài hòa lãi suất với người vay, doanh nghiệp", ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng, cho hay.
Hiện hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực vốn, khó về tài sản đảm bảo. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng đề xuất phía ngân hàng thương mại cần cởi mở hơn, thay vì yêu cầu tài sản đảm bảo là bất động sản, có thể chấp nhận cho doanh nghiệp vay tín chấp bằng hợp đồng, hóa đơn đầu ra. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ khác để cải thiện sức mua, ổn định đầu ra cho sản xuất kinh doanh.