A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Doanh nghiệp hàng không Việt: Phân hóa sau phục hồi, cuộc đua chưa dừng lại

Bức tranh tài chính của các hãng hàng không Việt Nam đang dần lộ rõ sự phân hóa sau giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Trong khi các tên tuổi lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ mạng bay ổn định và nhu cầu nội địa tăng, thì một số hãng khác vẫn đang loay hoay tái cơ cấu, gồng gánh lỗ lũy kế và tìm cách trụ lại thị trường.

 

 

Thực tế này cho thấy, cuộc cạnh tranh trên bầu trời không chỉ là bài toán vận hành mà còn là cuộc chiến tài chính dài hơi sau khủng hoảng.

Hai "ông lớn" lập kỷ lục doanh thu, bứt phá lợi nhuận

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vietnam Airlines khai thác gần 78.000 chuyến bay, vận chuyển 12,6 triệu lượt khách và hơn 165.000 tấn hàng hóa. Cả ba chỉ tiêu đều vượt kế hoạch và tăng lần lượt 11%, 13% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, hiệu quả công ty mẹ đạt 5.750 tỷ đồng, vượt tới 2.700 tỷ đồng so với kế hoạch, lập kỷ lục mới trong hoạt động vận tải hàng không của hãng.

Về mạng bay quốc tế, tính đến 1/7/2025, Vietnam Airlines đã khai thác 69 đường bay đến 37 điểm tại 21 quốc gia, bao gồm các thị trường chiến lược như Ý, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh nhu cầu đi lại toàn cầu tăng mạnh, hãng đã tận dụng cơ hội mở thêm đường bay mới nhằm khẳng định vị thế của hãng hàng không quốc gia.

Dù vậy, ông Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận: “6 tháng đầu năm 2025 diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu nhiều bất ổn”. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài sang năm thứ 4, căng thẳng Israel - Iran bùng phát vào giữa tháng 6, cùng với chính sách thuế mới của Mỹ trong tháng 4 tạo áp lực lớn lên kinh tế thế giới. Hệ quả là giá nhiên liệu duy trì mức cao, bình quân 86,2 USD/thùng, khiến hãng phải tính đến cả kịch bản thu hẹp khai thác nếu giá tăng sốc. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng phụ tùng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, tiếp tục là thách thức không nhỏ.

Trong khi đó, Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân lớn nhất, cũng ghi nhận kết quả tích cực. Doanh thu thuần quý I/2025 đạt 17.952 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ hoạt động chính đạt 2.403 tỷ đồng, tăng 38%. Lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt 825,3 tỷ đồng, tăng mạnh 52%. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 836,4 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một điểm sáng đáng chú ý là doanh thu từ dịch vụ phụ trợ như hành lý, suất ăn, dịch vụ cộng thêm… đạt hơn 6.223 tỷ đồng, chiếm tới 35% tổng doanh thu, đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh doanh của hãng trong bối cảnh cạnh tranh giá vé.

Trong quý I/2025, Vietjet vận chuyển hơn 6,87 triệu hành khách qua 38.700 chuyến bay, tăng lần lượt 9% và 12% so với cùng kỳ. Hệ số sử dụng ghế đạt 87%, độ tin cậy kỹ thuật lên đến 99,72%, cho thấy khả năng vận hành ổn định.

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của Vietjet đạt 98.766 tỷ đồng. Dù tiền mặt và tương đương tiền giảm hơn 50% (còn 2.224 tỷ đồng), nhưng vốn chủ sở hữu vẫn tăng lên 17.827 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 2,12 lần, nằm trong ngưỡng an toàn của ngành. Tuy dòng tiền kinh doanh âm 849 tỷ đồng do tăng tồn kho và giảm khoản phải trả, nhưng dòng tiền từ hoạt động tài chính vẫn dương 645 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VJC cũng bật tăng mạnh trong những phiên gần đây, có thời điểm vượt trần và đạt mức khoảng 112.000 đồng/cổ phiếu.

Các hãng khác đang xoay chuyển ra sao?

Với Bamboo Airways, dù chưa công bố kết quả tài chính 6 tháng, hãng cho biết vẫn duy trì khai thác ổn định, tập trung vào đường bay nội địa đông khách. Theo Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo dẫn đầu toàn ngành về tỉ lệ bay đúng giờ trong 6 tháng đầu năm, đạt 81%, đồng thời là hãng ít hủy chuyến nhất.

Trong khi đó, Vietravel Airlines, hãng hàng không trẻ đang được kỳ vọng, vừa đón chiếc Airbus A321 đầu tiên do chính hãng sở hữu tại Nội Bài ngày 28/6. Máy bay này có 228 ghế và dự kiến đưa vào khai thác từ đầu tháng 7/2025. Hãng cũng lên kế hoạch tiếp nhận thêm hai chiếc A320 trong tháng này.

Theo giới quan sát, đây là bước đi cho thấy Tập đoàn T&T đang hiện thực hóa cam kết phát triển Vietravel Airlines. Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Vinh Quang nhận định, việc sở hữu máy bay là minh chứng cho năng lực tài chính và vận hành của hãng.

Vietravel Airlines cũng đang tích cực đàm phán với các hãng sản xuất máy bay và đối tác toàn cầu để mở rộng hợp tác chiến lược.

Thị trường hàng không Việt Nam tăng sức cạnh tranh

Ngày 13/6, Bộ Xây dựng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc, thương hiệu Sun PhuQuoc Airways (SPA) do Tập đoàn Sun Group đầu tư, vốn 2.500 tỉ đồng.

Hãng được phép khai thác mô hình dịch vụ đầy đủ kết hợp bay thuê chuyến, hướng tới thị trường du lịch cao cấp. Giai đoạn đầu, SPA sử dụng máy bay Airbus A320, A321, A321neo, nhắm đến các đường bay nội địa và quốc tế tầm trung.

Hãng cũng lên kế hoạch mở đường bay đến Nga, Đông Âu, Trung Á, Trung Đông, châu Âu, Úc, và đang đàm phán với Boeing để mua thêm máy bay.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 10, Tòa nhà Ladeco, số 266 phố Đội Cấn, Phường Ngọc Hà, Thành phố Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo