Công bố thưởng Tết sớm để giữ chân lao động
Thời điểm này, đa phần các doanh nghiệp đang hoạt động tốt đã tạm ngưng tuyển dụng. Dù khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng chăm lo Tết cho người lao động.
Với doanh nghiệp, chỉ có ổn định nguồn nhân lực mới có thể tính đến khả năng phục hồi khi có đơn hàng trong năm mới.
Một trong những biện pháp giữ chân công nhân chính là việc công ty sớm công bố mức thưởng Tết Nguyên đán.
Dù đơn hàng chỉ bằng 70 - 80% cùng kỳ nhưng mức thưởng của công ty là từ khoảng 6,5 triệu đồng đến gần 26 triệu đồng/người tùy thâm niên làm việc.
Mức thưởng này bằng với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19 và cao hơn 30% so với năm ngoái.
"Tháng 12 này mình sắp xếp cho 18.000 lao động giảm giờ làm. Công ty cố gắng sử dụng tất cả các biện pháp tìm kiếm đơn hàng, giữ chân người lao động", bà Đặng Hồng Liên, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty PouYuen Việt Nam, cho biết.
Công bố thưởng Tết từ cuối tháng 11, cùng với thời gian nghỉ Tết và các phúc lợi kèm theo tại Công ty Giày Thông Dụng đã phát huy hiệu quả thấy rõ.
"Năm nay là ổn định, em thấy là giảm vấn đề nghỉ việc. Theo xưởng của em đang quản lý là giảm đến 90%", bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Khoa trưởng xưởng D, Công ty Giày Thông Dụng, Bình Dương, chia sẻ.
"Công nhân rất là ổn định, bây giờ trong công ty mình có khoảng 6.800 công nhân. Họ đều tích cực trong công việc, hoàn thành rất là tốt, để cho công ty mình ổn định sản xuất đáp ứng cho khách", ông Huang Chi Fang, Giám đốc Nhân sự, Công ty Giày Thông Dụng, Bình Dương, cho hay.
Doanh nghiệp cũng đã không đơn độc trong nỗ lực này. "Chúng tôi cũng vận động người lao động chia sẻ với doanh nghiệp, ở lại với doanh nghiệp trong điều kiện này và khi doanh nghiệp có đơn hàng trở lại thì lại tiếp tục đồng hành, gắn bó với họ", bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết.
Mức thưởng có thể khác nhau, nhưng đây là những nỗ lực đáng trân trọng trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời cũng là biện pháp căn cơ để đảm bảo sự ổn định, bền vững của thị trường lao động.